Trường thcs Trần Quang Khải

http://thcstranquangkhai.edu.vn


GS Châu phản biện Bộ trưởng Nhạ về bỏ biên chế giáo dục

GS Châu phản biện Bộ trưởng Nhạ về bỏ biên chế giáo dục
- Trong phần cuối của cuộc bàn tròn trực tuyến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ý tưởng về "tạo chỗ trống để đón người giỏi vào giáo dục" bằng đề xuất thay đổi chế độ biên chế trong giáo dục. GS Ngô Bảo Châu rằng cần phải thận trọng với ý tưởng này.


"Luật viên chức có bất cập"

Ông Hoàng Minh Sơn: Bộ trưởng nói đến tính cạnh tranh, theo tôi cái đó rất quan trọng. Nó vừa là thách thức của các trường, nhưng cũng là động lực để phát triển.

Một điểm hạn chế trong Luật viên chức là giảng viên chỉ được thử việc ký một năm, tuyển dụng vào và có một năm để tập sự; sau đó phải đưa vào biên chế, gọi là viên chức. Điều này hạn chế tính năng động của các trường.

Làm sao để giáo dục đại học năng động hơn trong việc trao đổi cán bộ, trong việc di chuyển giữa các nhà khoa học?

Bây giờ nhận người về cũng rất tốt. Nhưng mà vài năm sau về con người và cả năng lực không tốt, trường cũng khó có cách nào để có thể thay đổi. Đấy là vì sao các giáo sư lại hay muốn chọn học trò của mình, cũng là vì hiểu rõ con người, về làm yên tâm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Khi tự chủ đại học thì phải đồng bộ. Các cơ sở được tự chủ cũng phải được tự chủ về biên chế.

Công việc đòi hỏi bao nhiêu người, chuẩn công việc như thế nào, ông đứng đầu có quyền tự quyết.

Đấy là một việc không dễ một chút nào.

Một số lĩnh vực đã thực hiện tự chủ như khoa học, công nghệ hay y tế thì cũng đã rõ xu hướng dần dần tiến tới trách nhiệm của người đứng đầu.

Với nhân sự tuyển dụng vào các cơ sở, tôi ủng hộ theo phương án là ký hợp đồng chứ không biên chế, không chỉ đối với đại học mà phổ thông cũng vậy.

Giáo dục là một khoa học, luôn luôn phải có thay đổi. Người thầy phải nâng cao kiến thức và kỹ năng, đặc biệt phải đáp ứng được những tiêu chuẩn mới; luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng biến động với nhu cầu của người học.

Chứ bây giờ viên chức vào ăn lương suốt đời, tính theo thâm niên, càng nhiều năm lương càng cao. Trong khi có những em trẻ và rât giỏi thì không có chỗ, thế là thất nghiệp.

Nhân sự không đáp ứng được đổi mới và tiêu chuẩn mới mà vẫn thâm niên lâu năm, thậm chí cả trưởng bộ môn hay trưởng khoa, sẽ tạo ra sự không linh hoạt trong ngành giáo dục.

Đối với những trường tự chủ, tôi sẽ kiến nghị làm sao để làm việc với Bộ Nội vụ theo hướng linh hoạt và tính ký hợp đồng, chứ không viên chức suốt đời.

Ông Hoàng Minh Sơn: Khi thu hút người về và để phát triển bền vững, để giữ được các nhà khoa học, các cán bộ ở lại làm việc thì quan trọng nhất là động lực, cơ chế trả lương theo năng lực thực hiện công việc.

"Hiệu trưởng vững ghế hay không là do anh em ở dưới bầu"

GS Ngô Bảo Châu: Tôi đồng ý với anh Sơn và Bộ trưởng Nhạ.

Nhưng tôi nghĩ việc này cần một sự thận trọng nhất định. Bởi, xét trên bình diện thế giới thì hầu hết giảng viên đại học cỡ giáo sư là được biên chế. Đối tượng mà anh Sơn nhắc đến là “sau tiến sĩ”, được tuyển dụng xong thì đều có biên chế cả.

bàn tròn thu hút nhân tài, nhân tài, du học sinh, người tài, người giỏi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục, GS Ngô Bảo Châu, Nguyễn Anh Tuấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiệu trưởng, thu hút nhân tài, chính sách thu

GS Ngô Bảo Châu: "Cần tính toán thận trọng các thay đổi về nhân sự trong giáo dục". Ảnh: Lê Anh Dũng

Điều này với mỗi cá nhân họ, có một phần là sự đánh đổi. Thường thì những người làm giảng dạy có thu nhập thấp hơn những người đi làm kinh tế. Đổi lại, họ có một sự an toàn về công việc.

Vấn đề thứ hai nữa là khi có biên chế, giáo sư đại học cảm thấy mình là người chủ của trường đại học.

Ở những trường ĐH top của Mỹ, ông hiệu trưởng không "dạy" được những ông giáo sư đâu. Hiệu trưởng không thể nói: “Ngày mai ông GS nào đó làm gì cho tôi".

Bởi đơn giản ông giáo sư có biên chế. Chỉ trừ trường hợp ông ấy có vấn đề gì đó, hiệu trưởng mới có quyền đuổi việc giáo sư.

Thế nên, có lẽ việc thay đổi viên chức rộng rãi cho cả giáo viên đại học và phổ thông, cá nhân tôi cho rằng nên hết sức thận trọng.

Tất nhiên, chúng ta muốn một môi trường năng động hơn. Nhưng không lẽ, một giáo viên phổ thông đã 40 - 45 tuổi mà lại có thể bị ngừng hợp đồng làm việc một cách dễ dàng chỉ đơn thuần họ không đáp ứng được nhu cầu hay sao?

Về mặt logic, hoàn toàn có thể làm thế. Nhưng đó cũng là vấn đề không hề đơn giản, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Về điều này, từ chủ trương đến thực tiễn phải có một lộ trình rất dài.

Chứ không phải sau 2 - 3 tháng, đưa ra một cái chủ trương “bây giờ tất cả đều là giáo viên hợp đồng”.

Thế nhưng, chúng ta phải hướng tới việc để rỗng chỗ cho những người giỏi vào ngành. Để như vậy, cần có lộ trình để thay đổi dần, chứ không phải làm “đùng một cái”.

Còn đối với các trường ĐH, thực ra mỗi trường, đặc biệt là các trường ĐH lớn, rất trân trọng những người giỏi.

Nói là hợp đồng thôi nhưng đúng ra là biên chế cả đời. Khi các trường đã ở thế cạnh tranh và có nhu cầu tìm người tài, thậm chí là rất cần người giỏi, chứ không phải nay dùng, mai không.

bàn tròn thu hút nhân tài, nhân tài, du học sinh, người tài, người giỏi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục, GS Ngô Bảo Châu, Nguyễn Anh Tuấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiệu trưởng, thu hút nhân tài, chính sách thu

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Người thầy phải luôn sẵn sàng thích nghi với thay đổi". Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhưng rõ ràng, nếu không có sự linh hoạt trong chính sách về cán bộ như hiện nay – như điều mà anh Sơn nêu, cũng là trải nghiệm của bản thân tôi khi ở cơ sở - là đội ngũ giảng viên viên chức có động lực phấn đấu không thể mạnh nếu công việc không gắn với hiệu quả cụ thể.

Về lâu dài, tôi nghĩ chế độ viên chức suốt đời còn phụ thuộc vào từng tổ chức.

Nhà nước mà can thiệp quá sâu vào chế độ cán bộ của các trường đại học thì dẫn đến quan hệ tỷ lệ nghịch: Càng can thiệp sâu vào tổ chức nhân sự của trường ĐH thì chất lượng sẽ càng tụt xuống, khó lên được lắm!

Trong bối cảnh cạnh tranh, đại học phải luôn sáng tạo.

Thứ nữa, phải cạnh tranh để có những người giỏi.

Đấy là một trong những lý do mà tôi rất muốn có lộ trình.

Muốn nhanh được thì các trường ĐH sẽ không phải trực thuộc hành chính của các bộ, để cho  hiệu trưởng năng động thì mới sáng tạo, quản lý giáo viên được.

Chứ bây giờ hiệu trưởng cứ trông bộ trưởng hơn là trông anh em, được lòng bộ trưởng thì được kéo dài việc bổ nhiệm. Nhưng khi tự chủ, hiệu trưởng có vững ghế hay không là do anh em phía dưới bầu, thì tự nhiên sẽ chăm lo anh em ở dưới.

Khi đó, hội đồng quản trị bầu ra hiệu trưởng như là người làm thuê, không thực hiện được nhiệm vụ thì phải từ chức.

Tôi thấy ở Việt Nam, hiệu trưởng từ chức chỉ khi trường hợp bị kỷ luật, chứ chẳng ông nào từ chức vì làm yếu, năng lực kém cả.

Đấy cũng là một cái yếu của hệ thống đại học Việt Nam.

Ông Hoàng Minh Sơn: Mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Ở các nước, thường là PGS, GS vào ngạch biên chế. Tuy nhiên, lực lượng này không nhiều. Còn kể cả tiến sĩ vào làm giảng viên thì cũng theo dạng hợp đồng không biên chế.

Theo tôi, cần nghiên cứu thêm, bởi mỗi hệ thống có một ưu điểm. Ví dụ ở các nước Tây Âu thì ghế giảng dạy đó là suốt đời. Ghế giáo sư là suốt đời.

Nhưng ở một số nơi khác thì cũng không như vậy, ngay cả ghế giáo sư cũng có sự cạnh tranh. Anh có thể vẫn là giáo sư nhưng không phải là vị trí được xếp đứng đầu ở vị trí đó.

Trong thực tế Việt Nam, cần hướng tới mô hình để đạt được hiệu quả.

Ở khía cạnh xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động thì đương nhiên chúng ta phải làm, nhưng cần tách biệt giữa chuyên môn và quyền lợi của người lao động.

Ở khía cạnh chuyên môn, chúng ta phải hướng tới một tổ chức hay một bộ môn, từng khoa viện, đạt tới hiệu quả về mặt giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu tốt nhất. Còn vẫn phải đảm bảo quyền lợi làm sao để người lao động, các giáo sư, phó giáo sư gắn bó với ngành, với trường.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các trường lành mạnh, các giáo sư sẽ biết ở nơi nào được trọng dụng và tôn trọng nhất.

 

bàn tròn thu hút nhân tài, nhân tài, du học sinh, người tài, người giỏi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục, GS Ngô Bảo Châu, Nguyễn Anh Tuấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiệu trưởng, thu hút nhân tài, chính sách thu

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành giáo dục sẽ tính tới việc có lộ trình sử dụng nhiều nhân sự hợp đồng hơn là biên chế. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Chấp nhận khiếm khuyết để đạt tới hiệu quả"

Nhà báo Hạ Anh: Các khách mời có muốn nói thêm điều gì trước khi chúng ta kết thúc chương trình?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đây là một vấn đề khó nên đòi hỏi từ suy nghĩ đến hành động rất nghiêm túc, hướng tới hiệu quả hơn là kêu gọi chung chung.

Trong quá trình thực hiện, sẽ không hoàn thiện ngay được mà phải bổ sung dần.

Để đưa ra được một chính sách phải chấp nhận một số khiếm khuyết để đạt tới hiệu quả.

Tôi cũng rất mong mọi người với cách nhìn một cách thực tế như vậy, không nên bình luận theo hướng không đi vào mục tiêu thu hút nhân tài.

Trong quá trình thực hiện, tôi mong muốn lắng nghe để có được những quyết định chính xác, có cơ chế chính sách đáp ứng mục tiêu và khả thi.

Ông Hoàng Minh Sơn: Chúng tôi coi việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút cán bộ giỏi về trường là yếu tố quyết định đến sự phát triển, thắng lợi của nhà trường bên cạnh cơ chế tự chủ mà Nhà nước, Chính phủ giao. Khi có nhân lực tốt sẽ thu hút được nhiều nguồn lực về cho trường.

Vì vậy, hy vọng các cán bộ khoa học trẻ, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu ở nước ngoài tìm hiểm thêm thông tin về trường trong thời gian tới.

Nếu trong chừng mực có thể hợp tác, hỗ trợ được thì trường rất đón nhận. Có thể thông qua hình thức làm một thời gian trong năm hoặc cũng có thể về trường làm việc lâu dài, nhà trường rất mong mỏi điều đó.

GS Ngô Bảo Châu: Tôi rất vui và cảm kích khi lãnh đạo Bộ GD - ĐT tham gia buổi tọa đàm ngày hôm nay để lắng nghe ý kiến của những người từ cơ sở, làm việc trực tiếp.

Cá nhân tôi rất quan tâm đến vấn đề làm sao để thu hút được những anh em người Việt Nam và cả các nhà khoa học người nước ngoài sang Việt Nam làm việc để giải quyết các vấn đề cụ thể của Việt Nam, cũng như trao đổi học thuật để tăng khả năng nghiên cứu còn hạn hữu của Việt Nam.

Tôi thấy buổi thảo luận này rất thú vị. Tuy không phải đồng ý mọi thứ, nhưng chúng ta cũng rõ ra được một số vấn đề.

 Ví dụ như phải chia đối tượng cần thu hút làm 2  rất rõ ràng.

Thứ nhất là những người trẻ mới tốt nghiệp bằng tiến sĩ, thì thu hút để tạo nền tảng cho khoa học Việt Nam sau này.

Thứ hai là những nhà khoa học đã có tên tuổi, đã được khẳng định. Có lẽ kinh phí không cho phép để thu hút họ một cách vĩnh viễn, vì có nhiều vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, có thể thu hút theo những vấn đề, đề tài cụ thể. Và để thực hiện được đề tài đó, cần có những chính sách đặc thù.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cảm nhận có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và thấy từ anh Nhạ một sự tâm huyết, cầu thị.

Chúc anh và ngành giáo dục đào tạo sẽ có những bước đột phá, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.

Tôi có ý kiến thêm là chúng ta cần làm hết sức sáng tạo trong thời buổi công nghệ ngày hôm nay. Cuộc cách mạng công nghệ mang đến những cơ hội mới, một phương pháp tư duy và cách làm mới.  Chúng ta hãy sáng tạo hơn nữa, đột phá hơn nữa thì sẽ thành công. 

Nhà báo Hạ Anh: Xin cảm ơn các khách mời đã tham gia chương trình. Xin chào quý vị và hẹn gặp lại.

Thực hiện: Ban Giáo dục 

Vào 14h chiều 8/8, VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề“Chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước”. Khách mời tham gia chương trình:

  • Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
  • Ông Ngô Bảo Châu, GS Toán Trường ĐH Chicago (Mỹ); Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Việt Nam).
  • Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên tổng biên tập báo VietNamNet, hiện là Tổng biên tập Tạp chí và Mạng Giáo dục Công dân Toàn cầu Đại học California Los Angeles ( UCLA).
  • Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây