Trường thcs Trần Quang Khải

http://thcstranquangkhai.edu.vn


Phụ huynh không để ý tới con thì thầy cô cũng bó tay với đổi mới giáo dục

Phụ huynh không để ý tới con thì thầy cô cũng bó tay với đổi mới giáo dục
Một tâm sự của cô giáo dạy lớp 1 làm rất nhiều người giật mình. Khi đất nước cùng ngành giáo dục đang lo chương trình mới, sách giáo khoa mới, lực lượng giáo viên có chất lượng, cơ sở vật chất tương xứng để đổi mới giáo dục thì phụ huynh giữ vai trò gì?

Xin chia sẻ bài viết của cô giáo Trần Thị Kim Hạnh để chúng ta cùng suy ngẫm và trao đổi.

Cô giáo Trần Thị Kim Hạnh

 

Cô giáo Trần Thị Kim Hạnh

Sự thật đáng báo động!

Một vài năm trở lại đây, tình trạng học sinh lớp một thật đáng báo động. Tỉ lệ các con ngây ngô, tăng động, giảm tập trung, nói năng khó hiểu, mất chủ định, kém tương tác, ngôn ngữ kém ngày càng cao. Nếu khoảng 5 năm về trước, trong 1 lớp chừng 35-40 em thì chỉ có khoảng 3-5 em là đã thấy nhiều.

Thế mà giờ phải độ chừng gần nửa lớp, cả trai, cả gái. Giáo viên cực kì khổ sở đến độ stress. Đấy là chưa kể đến một vài bạn rất đặc biệt, có hành vi hung tính, phá, đánh bạn ngang dọc trong lớp khiến cô giáo không tài nào dạy được. Tình trạng trẻ mắc chứng khó đọc cũng phổ biến hơn.

Đi học thì rất mất tập trung, loay hoay chơi đồ chơi hoặc chọc ghẹo bạn. Có bạn mỗi lần đòi cô mở ti vi không được thì quay ra đánh bạn, xé vở của bạn, rồi thì gào thét: “Chơi điện thoại! Chơi điện thoại! Mở ti vi coi! Mở ti vi coi! Đi Lotte! Đi Lotte! Ăn gà rán! Ăn gà rán!” Có lẽ bạn ấy đã mắc chứng nghiện thiết bị thông minh nặng. Bạn í giờ đã biết đọc rất tốt nhờ Youtube, nhưng hành vi thích ứng thì lại rất kém!

Một hình ảnh trong lớp học


Một hình ảnh trong lớp học

Lý do nào từ phía gia đình?

Có phải những điều trên là sự báo động về tình trạng giáo dục gia đình đang xuống dốc? Cha mẹ không biết cách dạy con? Cha mẹ mải mê kiếm tiền hơn là giành thời gian cho con? Trẻ thiếu môi trường vui chơi cùng chúng bạn? Đặc biệt trong hiện thực cuộc sống khi các thiết bị thông minh ngày càng thay thế cho sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình.

Qua khảo sát một nhóm nhỏ thì nhận thấy: Trẻ đã bị “bỏ rơi” từ rất sớm (2-6 tháng tuổi) vì phụ huynh phải đi làm. Trong khi đó, từ 0-24 tháng là giai đoạn mà nhu cầu gắn bó của trẻ còn mạnh mẽ hơn cả nhu cầu ăn uống. Trẻ cần được gần mẹ, được mẹ ôm ấp vỗ về, da kề da, thịt kề thịt thì trẻ mới phát triển cả thể chất và tinh thần, sức đề kháng của trẻ cũng tăng lên rất nhiều.

Theo số liệu thống kê, trong cùng một thời điểm diễn ra dịch chân tay miệng thì tỉ lệ tử vong của trẻ ở trại mồ côi cao hơn rất nhiều so với trẻ được sống với cha mẹ dù vẫn được nhận chế độ nuôi dưỡng tốt. Trẻ lớn lên thiếu mối giao tiếp với cha mẹ, với bạn bè, chơi điện thoại, máy tính, coi ti vi quá nhiều nên ngôn ngữ chậm phát triển; kĩ năng giao tiếp kém, dễ nổi nóng, có hành vi hung tính.

Việt Nam có hình ảnh này không?


Việt Nam có hình ảnh này không?

Giáo dục gia đình là rất quan trọng 

Tương lai các con sẽ ra sao nếu cha mẹ, người lớn không nhận thức được điều này? Làm sao để phụ huynh hiểu được rằng các con cần được ôm ấp, hôn hít, được vui chơi, được nói chuyện, được sống trong môi trường có giao tiếp ngay từ thuở lọt lòng để con có thể phát triển ngôn ngữ, cảm giác được yêu thương, được an toàn mà phát triển như một con người, có lẽ cần một chiến lược thay đổi văn hóa giáo dục gia đình.

Nếu chậm thay đổi ở lĩnh vực này, khi trẻ bước vào môi trường học tập, vừa thiếu ngôn ngữ, kĩ năng, vừa có vấn đề về sức khỏe tâm thần thì dù nhà trường có đổi mới chương trình, phương pháp cũng khó để đào tạo ra một con người có năng lực và hệ giá trị chuẩn mực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống.

Do đó, nếu nhà nước chỉ tập trung phát triển giáo dục nhà trường mà bỏ ngỏ trận địa giáo dục gia đình thì nguy lắm! Nhất là với thời đại công nghệ thông minh như hiện nay, nếu không thay đổi sẽ hỏng nhiều thế hệ. Khi các con đến tay nhà trường thì đã muộn rồi, dù cô giáo rất cố gắng nhưng không thể lấy lại được những gì các con đã mất.

Những khoảnh khắc rất cần trong gia đình


Những khoảnh khắc rất cần trong gia đình

Cả xã hội cần vào cuộc để vực dậy nền giáo dục gia đình, để gia đình, nơi khởi đầu của con trẻ, sẽ thực sự làm đúng vai trò của mình, cùng với nhà trường, góp phần quan trọng tạo nên nguồn nhân lực khoẻ mạnh cả thể chất lẫn tinh thần, đủ năng lực phục vụ cho bản thân và đất nước.

Tác giả bài viết: Trần Thị Kim Hạnh /bigschool

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây