Trường thcs Trần Quang Khải

http://thcstranquangkhai.edu.vn


Tư thế ngồi học hiệu quả

Tư thế ngồi học hiệu quả
Chuẩn bị tư thế học
Muốn quá trình học tập đạt được yêu cầu tốt, bạn cần chuẩn bị trước tư thế sao cho thích hợp với thời gian và môn học của bạn. Chuẩn bị tư thế cũng không kém phần quan trọng trong việc học tập. Vậy bạn phải chuẩn bị tư thế ra sao.
 A. Thái độ học tập
Ngồi trên ghế dựa.
Bạn nên ngồi thẳng sống lưng, dù khi ghi chép bạn cũng như khi học bài.
Tránh tì ngực vào cạnh bàn, có thể gây nguy hại cho tim và phổi. Lâu lâu nếu mỏi bạn có thể ngồi bật ra sau. Lưng tựa thành ghế. Dưới chân, bạn nên kê một cái đôn nhỏ hoặc vật gì đó vừa tầm để gác chân. Vì ngồi lâu bạn để hai chân sát mặt đất sẽ dễ mỏi và máu bị dồn xuống chân. Ðôn (vật) này có chiều cao khoảng 0,30m, rộng 0,20m và dài 0,40, vừa đủ để bạn gác chân. Ngoài ra nếu như bạn có điều kiện cũng nên tạo những chỗ ngồi khác như ghế xoay hoặc ghế xích đu.Tuy nhiên những chỗ ngồi này chỉ giúp bạn khi bạn đã bắt đầu hơi mệt mỏi từ chỗ ngồi chính thức ban đầu nơi bàn học tại góc học tập của bạn mà thôi. Chỗ ngồi tốt nhất để bạn dễ tập trung tư tưởng vẫn là bàn học cố định mà bạn đã chọn và sắp xếp kỹ lưỡng. Ðể tạo cho mình một tư thế học tập tốt, bạn nên tránh những thái độ sau đây:
- Nằm bò ra bàn.
- Ngồi ẹo sống lưng.
- Ngủ cả trên bàn học
Những thái độ trên tạo cho bạn điều kiện biếng lười
Bạn cần có một quyết tâm:
- Ngồi vào bàn để học.
- Buộc bản năng phải làm theo ý chí.
- Quyết tâm hoàn thành kế hoạch mà bạn đã dự tính.
* Muốn thực hiện được các yêu cầu trên bạn phải làm sao?

B. Tập trung tư tưởng
Đây là điều kiện ban đầu, rất quan trọng mà cần phải có. Nếu không làm tốt khâu này, bạn sẽ ngồi vào bàn học cho dù một, hai, ba hay năm giờ đồng hồ đi nữa thì bạn cũng không thu hái kết quả gì trong học tập.
Vậy làm thế nào để tập trung tư tưởng?
Cho dù bạn đang làm việc gì, hay đang nghĩ suy điều gì thì khi ngồi vào bàn học bạn cũng hãy:
Gạt phăng nó ra: Phải tự nhủ với tâm trí rằng "Bây giờ là giờ học tập". Rồi bạn chỉ nên chú mục vào việc học mà thôi, quên hết những tiếng động, tiếng ồn ào, những tiếng nói chuyện chung quanh, không để nó ảnh hưởng đến việc học tập của mình, nghĩa là bạn cần tập trung cao độ vào việc học."
Phải vạch sẵn chương trình.
Dù rằng bạn đã có ghi sẵn "thời khóa biểu" đã nắm được môn bài trong ngày, bạn bắt đầu phân chia thời gian cho các môn học ấy.
Lấy một ví dụ cụ thể sau đây:
Ngày thứ hai bạn có các môn: 1 giờ Sinh + 1 giờ Sử + 1 giờ Văn. Toàn là các môn cần phải học bài. Nhưng bạn còn một lợi điểm là: các môn học này đã được học ở tuần trước, ít nhất bạn cũng đã làm quen với các môn học này qua lời giảng của thầy cô ở lớp. Và để chuẩn bị cho việc trả bài được tốt, bạn cần khảo sát qua các bài ấy trước một bước. Do vậy kết quả sẽ đến với bạn, nếu như:
- Bạn quyết tâm tập trung vào việc học.
- Quyết tâm thực hiện giờ giấc đúng, "giờ nào viêc nấy".
Ví như thời gian học bài ở nhà của bạn (từ 1 giờ đến 5 giờ chiều) với các môn bài đã nêu trên đây, bạn có thể phân chia thời gian như sau:
+ Từ 1 giờ - 2 giờ: học Sử.
+ Từ 2 giờ - 3 giờ: học Sinh.
+ Từ 3 giờ - 5 giờ: học Văn.
Đã phân chia môn học và giờ giấc nhất định của ngày đó rồi, chỉ cần nâng cao quyết tâm sao cho môn nào giờ đó thật sít sao. Tránh môn nọ học sang thời gian của môn kia. Đó là qui tắc. Qui tắc này bạn phải nằm lòng và luôn luôn áp dụng thường xuyên không sai chạy.
Bạn luôn phải củng cố ý chí, đã quyết tâm làm việc gì thì phải cho xong việc đó. Gặp tình huống nếu bạn đang học môn Sử, do đột nhiên có người bạn nào đó đến thăm và rủ bạn đi chơi. Thái độ của bạn sẽ ra sao?
- Vứt bỏ tất cả để đi chơi.
- Kiên quyết chối từ.
Nếu bạn có quyết tâm cao trong việc học, bạn sẽ quyết định chọn ý thứ hai.
Thà mích lòng bạn, nhưng bạn có thêm nghị lực, và tập trung tư tưởng cho việc học. Vì thời gian đi chơi có thể dời lại nhưng thời gian học thì không được.

Phương pháp thực hiện:
Để tập trung tư tưởng cho việc học tập bạn cần rèn luệyn theo các phương pháp sau đây:
1. Bám chắc việc cần làm.
2. Thực hiện "thời gian biểu" thật gắt gao.
Dù cho hoàn cảnh có mang tới cho bạn bao điều hấp dẫn, quyến rũ bạn song bạn cũng kiên quyết chối từ, buộc ý chí làm chủ bản ngã bạn. Điều đó lúc đầu có lẽ khó thực hiện nhưng dần dần sẽ quen thành nếp.
Bạn cần biết, thói quen còn là "thiên tính thứ hai". Khi thói quen đã trở thành đức tính của bạn, lúc đó bạn không còn phải khó khăn vất vả nữa.
Kế hoạch vạch ra, bạn ung dung làm, hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng.

Nguồn tin: Theo Bí quyết học bài mau thuộc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây