NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 2)
Cãi lại cũng vô
ích. Tôi đứng lên, đeo ca-vát và đi giầy. Trong cái xứ này, cảnh sát bao
giờ cũng thắng trong cuộc đọ sức, họ có thể tước giấy thông hành của tôi,
họ có thể cấm không cho tôi dự các hội nghị báo chí và nếu họ muốn một
cách oái oăm, thì có thể từ chối không cấp thị thực cho tôi về nước. Ðó
là những cách làm không hợp pháp giữa ban ngày ban mặt, nhưng tại một nước
đang chiến tranh, sự hợp pháp không cần lắm. Tôi biết có một người nấu bếp
biến mất một cách đột nhiên và không sao hiểu nổi; lần theo dấu vết, người
đó tìm tới Sở Liêm Phóng, nhưng ở đây người ta bảo đã thả anh bếp sau
một trận xét hỏi. Gia đình anh ta không bao giờ gặp lại anh nữa. Có lẽ anh
đã đi theo cộng sản; có lẽ anh gia nhập một trong những đội vệ binh nở như
hoa quanh Sài Gòn: Hoà Hảo, Cao Ðài, quân của tướng Thế. Có thể anh đang bị
giam trong một nhà ngục Pháp. Có thể đang phất một cách vui vẻ trong nghề ma
cô ở Chợ Lớn, vùng người Hoa ở sát Sài Gòn. Có thể tim anh đã vỡ trong
cuộc tra hỏi.
- Không đi bộ đâu - tôi nói - Các anh phải thuê xích lô cho chúng tôi.
Phải giữ tư thế của mình chứ!
Chính vì thế mà tôi từ chối không nhận điếu thuốc lá của viên sĩ quan
Pháp tại Sở mật thám. Sau ba điếu thuốc phiện, đầu óc tôi sáng suốt và
hoạt động hăng hái: Nó dễ dàng quyết định được về những việc vặt đó,
nhưng vẫn không xa lìa vấn đề chính: họ muốn làm gì tôi? Tôi đã gặp Vigo
nhiều lần trong cuộc chiêu đãi. Tôi đã chú ý tới anh ta mê vợ đến mức phi
lý, một cô gái tóc nhuộm vàng rất giả tạo, chướng mắt và cư xử như không
có chồng con gì cả. Ðêm hôm đó, hai giờ sáng, mệt mỏi và ỉu xìu, anh ta
ngồi trong bầu không khí nóng đến lả người, giữa làn khói thuốc lá. Mũ
lưỡi trai màu xanh che mắt và để giết thời gian, anh ta mở một cuốn sách của
Pascal để sẵn trên bàn. Khi tôi từ chối không cho tra hỏi Phượng khuất mặt
tôi, anh ta liền chịu theo ý tôi, phát ra một tiếng thở dài nói lên sự chán
chường của anh ta, chán Sài Gòn, chán thời tiết nóng bức, hay chán cho tất
cả cái số phận con người.
- Tôi rất lấy làm tiếc - hắn nói bằng tiếng Anh - nhưng tôi bắt buộc phải
mời anh lại.
- Họ có mời tôi đâu - tôi nói. - Họ ra lệnh cho tôi phải tới.
- Ôi nhân viên người bản xứ! Họ chẳng hiểu gì cả!
Mắt hắn vẫn không rời trang sách trong cuốn châm ngôn y như những luận chứng
buồn tẻ trong đó vẫn đang thu hút hắn.
- Tôi muốn hỏi anh một vài điều về Pyle.
- Sao anh không hỏi ngay Pyle?
Y quay lại phía Phượng và sẵng giọng hỏi bằng tiếng Pháp.
- Cô đã sống bao nhiêu lâu với ông Pyle?
- Khoảng một tháng gì đó& tôi cũng không rõ nữa.
- Ông ta cho cô bao nhiêu tiền?
- Anh không có quyền hỏi như thế - tôi nói - cô ta có phải là của đem bán
đâu?
- Cô ta đã sống với anh phải không? - y hỏi một cách trắng trợn - Trong hai
năm?
- Tôi là một nhà báo mà nhiệm vụ là làm một thiên phóng sự về cuộc chiến
tranh của các ông. Ðừng có bắt tôi phải đồng thời tham gia viết các mục
chuyện lăng nhăng nữa.
- Anh hiểu những điều gì về Pyle? Xin trả lời tôi, anh Fowler. Tôi bắt buộc
phải đặt ra những câu hỏi này, nhưng đây là điều nghiêm trọng. Rất nghiêm
trọng xin hãy tin như vậy.
- Tôi không là một tên mật thám. Tất cả những điều tôi biết về Pyle thì
anh biết cả: Ba mươi hai tuổi, tuỳ viên của phái đoàn viện trợ kinh tế,
quốc tịch Mỹ.
- Anh hình như là một bạn thân của Pyle, Vigo vừa nói vừa nhìn Phượng ở
phía sau lưng tôi.
Một nhân viên bản xứ vào, mang theo ba tách cà phê.
- Hay anh thích uống nước trà hơn? - Vigo hỏi.
- Ðúng tôi là một người bạn thân của Pyle, - tôi nói. - Tại sao lại không
nhỉ? Một ngày nào đó tôi sẽ về quê, phải không? Tôi không thể mang theo cô
nhỏ này. Cô ta sẽ được sung sướng với hắn ta. Ðây là một sự thu xếp hợp
lý. Hắn tính cả việc lấy cô ta làm vợ. Hắn có gan làm nổi việc đó. Hắn
là con người tốt bụng theo kiểu của hắn. Ðứng đắn. Không như những tế cục
súc phá quấy ở khách sạn Continaltal. Một người Mỹ trầm lặng! - tôi kết
luận sự nhận định về Pyle, như tôi buông ra câu: một con thằn lằn xanh, một
con voi trắng.
- Phải - Vigo nói - một người Mỹ trầm lặng.
Cặp mắt anh ta như tìm ở trên bàn giấy những từ có thể dùng để diễn đạt
chính xác nhất ý nghĩ cũng như tôi đã làm. Anh ta ngồi đó, trong bầu không
khí bức bối của căn phòng, chờ một người trong chúng tôi nói tiếp. Một con
muỗi xông tới vo ve mở cuộc tấn công. Tôi theo dõi Phượng. Thuốc phiện làm
ta lanh lẹ có lẽ chỉ vì nó làm thần kinh được thư thái và dịu đi những
cơn cảm xúc. Không có gì, ngay cả cái chết, lại quan trọng như vậy. Tôi có
cảm giác rằng Phượng không nhận ra được giọng buồn và dứt khoát của Vigo.
Vả lại cô biết tiếng Anh rất ít. Ngồi trên ghế tựa cứng của công sở, cô
vẫn chờ đợi Pyle một cách nhẫn nại. Tôi thì hết chờ rồi và tôi thấy rằng
Vigo đã nhận ra hai thái độ đó.
- Anh làm quen với Pyle như thế nào? - Vigo hỏi tôi.
Làm sao giảng cho Vigo hiểu là chính Pyle tới làm quen với tôi. Tháng 9 vừa
qua, tôi nhìn thấy hắn ta băng qua quảng trường đi về phía khách sạn
Continaltal, giơ cho tất cả chúng tôi xem bộ mặt linh rất trẻ trung của một con
người mới nhập cuộc. Với bộ giò lênh khênh đung đưa, với mái tóc cắt theo
kiểu lính thuỷ, với cặp mắt quen nhìn khoảng không rộng lớn của các khu học
xá Mỹ, hắn có vẻ hoàn toàn vô hại. Những chiếc bàn trên sân thượng đều
có người ngồi.
- Anh cho phép tôi ngồi đây - hắn đã hỏi tôi với một vẻ lịch sự trang
nghiêm - Tên tôi là Pyle. Tôi mới tới đây.
Hắn khom tấm thân dài ngoằng để ngồi xuống chiếc ghế bành và gọi bia uống.
Bỗng nhiên, hắn nhìn lên trời, chăm chú nhìn vào ánh sáng chói chang của
buổi giữa trưa.
- Lựu đạn nổ hay sao? - Hắn ta hỏi với giọng của một người bị hấp dẫn và
đầy hy vọng.
- Chắc là xe máy đó thôi, tôi đáp, lòng bỗng thương hại cho sự cụt hứng
của hắn.
Người ta thường mau chóng quên đi thời niên thiếu của mình: xưa kia tôi
cũng vậy, quan tâm đến cái điều người ta gọi là tin thời sự, vì thiếu một
từ gọi đúng hơn. Nhưng bây giờ tôi hết quan tâm đến lựu đạn nổ rồi; ở
trang cuối của báo địa phương đã có thống kê đủ: chiều hôm qua bao nhiêu
vụ nổ ở Sài Gòn, bao nhiêu ở Chợ Lớn; những tin đó không bao giờ lọt vào
báo chí của người Âu cả. Dọc theo phố, những dáng thanh mảnh duyên dáng qua
lại: quần lụa trắng, áo dài may sát người, tà sẻ tới đùi và in những hình
vẽ màu hồng hay hoa cà. Tôi nhìn những hình bóng đó, chạnh nghĩ rằng khi
tôi phải mãi mãi rời nơi đây thì tôi sẽ lưu luyến biết mấy.
- Ðẹp mê hồn đấy chứ? - tôi nói với qua cốc bia, còn Pyle thì lơ đãng
nhìn họ đi lên trên phố Catina.
- Ồ, ĐẸP, - HẮN NÓI VỚI
một vẻ không quan tâm (chàng này thuộc loại chín chắn đây). - Ngài bộ
trưởng rất lo ngại về những vụ nổ lựu đạn đó. Ngài nói rằng thật là
phiền khi có điều gì xảy ra với& với một trong chúng tôi, tôi muốn nói.
- CHO MỘT TRONG SỐ CÁC ANH? À
phải, tôi đoán rằng sẽ nhiêu khê đấy. Quốc hội của các anh không ưng
những việc như vậy.
Tại sao ta lại hay trêu những kẻ ngây thơ? Có lẽ 10 hôm trước hắn đang đi
qua quảng trường, ở Bôtxtơn, tay ôm chồng sách mà hắn sẽ chuẩn bị đọc để
hiểu trước về Viễn Ðông và các vấn đề của Trung Hoa. Hắn cũng không thèm
nghe tôi nói gì: hắn còn đang suy nghĩ về mối quan hệ khó giải quyết giữa
nền dân chủ và trách nhiệm của phương Tây: Hắn rất quyết tâm - tôi nhanh
chóng hiểu ra ngay điều ấy - làm những điều tốt đẹp không phải cho một cá
nhân mà cho cả một nước, một lục địa, một thế giới. Và thế là bây giờ
hắn đang ở trên mảnh đất của hắn, giữa một thế giới cần hoàn thiện.
- Hắn nằm trong nhà xác à? - Tôi bèn hỏi Vigo.
- Tại sao anh biết hắn chết rồi?
Câu hỏi đó quả là ngu xuẩn khi người ta là một thám tử, không xứng với
một con người đọc Patsxcan, cũng lại không sứng đáng với một con người đã
hiến cho vợ một tình yêu kỳ lạ đến thế. Người ta không thể yêu khi không
có linh cảm.
- Tôi không là thủ phạm, tôi nói.
Tôi tự nhắc lại rằng điều đó là sự thật. Pyle là con người muốn đi đâu
thì đi, có đúng không? Tôi tự xét nét xem mình có chút hiềm thù nào đối
với anh chàng thám tử đa nghi này không, nhưng không thấy chút nào. Chỉ có
mình Pyle là chịu trách nhiệm thôi. Cái chết phải chăng là cái số phận tốt
nhất dành cho mỗi chúng ta? - Bộ óc của con người nghiện như tôi nghĩ như
vậy. Nhưng tôi thận trọng nhìn Phượng: vố này đau cho cô ta quá đấy. Cô ta
chắc đã yêu Pyle theo kiểu của cô: dù có mến tôi thật, cô đã chẳng bỏ
tôi để về với hắn sao? Cô đã bị lôi cuốn bởi tuổi trẻ, bởi hy vọng, bởi
sự trang nghiêm, ấy thế mà những điều đó không giữ được lời hứa hẹn
bằng tuổi trung niên và sự chán chường. Cô ta ngồi yên nhìn hai người chúng
tôi và tôi tin rằng cô cũng vẫn chưa biết gì. Có lẽ tốt hơn là tôi đưa
cô về trước khi cô đoán ra sự thật. Tôi sẵn sàng trả lời các câu hỏi nếu
làm như vậy có thể chấm dứt cuộc vấn đáp này một cách chóng vánh, vừa
giữ được sự mơ hồ, để sau rốt nói riêng với cô về cái chết của Pyle, xa
cặp mắt của viên cảnh sát, xa những chiếc ghế rắn chắc và chiếc bóng đèn
không có chao với những con bướm đen lượn chung quanh.
- Anh cần biết về hoạt động của tôi trong những giờ nào? - Tôi hỏi Vigo.
- Từ 18 tới 20 giờ.
- Tôi uống rượu lúc 6 giờ tại khách sạn Continaltal. Những người bồi chắc
nhớ rõ. Tới 6 giờ 45 phút, tôi xuống bến cảng xem bốc dỡ những chiếc máy bay
Mỹ. Tôi nom thấy Uynkin của hãng AP bên cửa rạp Magiestic. Rồi tôi vào xem
phim, phía cửa bên. Chắc nhân viên ở đó nhớ, vì họ trả lại tôi tiền lẻ.
Sau đó tôi thuê xe kéo đi về quán cơm "Cối xay cổ". Tới nơi khoảng
8 giờ 30 phút và ăn một mình. Grango cũng ở đó, anh có thể hỏi hắn xem. Rồi
thuê xe trở về nhà lúc 9 giờ 45 phút. Tìm ra người kéo xe cũng không đến
nỗi khó. Tôi chờ Pyle tới, lúc 10 giờ, nhưng hắn không tới.
- Anh chờ hắn ta để làm gì?
- Hắn gọi điện thoại cho tôi, nói muốn gặp vì một điều quan trọng.
- Anh hẳn nghĩ gì về câu chuyện đó?
- Không. Ðối với Pyle thì cái gì chẳng quan trọng.
- Còn cô ta? Người tình của Pyle. Cô ta ở đâu, anh có biết không?
- Cô ấy chờ hắn ở ngoài phố, lúc giữa đêm. Cô ta rất lo. Không hay biết gì
cả. Anh xem, đến bây giờ cô ta vẫn chờ hắn đấy.
- Rõ!
- Anh tưởng thật sự rằng tôi giết hắn vì ghen tuông hay tưởng rằng chính cô
ta là thủ phạm& mà giết hắn vì lẽ gì nhỉ? Hắn định lấy cô ta đến
nơi.
- Phải.
- Anh tìm thấy hắn ở đâu?
- Dưới sông gần cầu Ða Kao.
Quán ăn "Cối xay cổ" ngay cạnh cầu. Trên cầu là cảnh sát võ trang,
quán ăn lại có lưới thép ngăn lựu đạn. Ban đêm qua cầu thì không được
an toàn, vì ở bờ bên kia sông sau khi mặt trời lặn nằm trong tay Việt Minh.
Thế là tôi đã ăn bữa cơm tối cách thi hài hắn không đầy 50 m.
- Ðiều đáng phàn nàn là hắn dính vào không biết bao nhiêu việc, tôi nói.
- Xin nói thẳng ra là tôi cũng không luyến tiếc gì hắn. Hắn đã gây ra nhiều
điều rắc rối.
- Xin trời che chở cho chúng ta khỏi những người ngây thơ và ngoan đạo.
- Người ngoan đạo?
- Ồ PHẢI. NGOAN ĐẠO THEO
kiểu của hắn. Anh là tín đồ Thiên Chúa giáo theo kiểu La Mã. Cách xử thế
của hắn, anh không sao hiểu nổi đâu. Vả lại hắn chỉ là một tên Mẽo khốn
kiếp.
- Anh nhận dạng hắn một chút thì có phiền lắm không? Xin lỗi nhé. Thủ tục
thôi. Một thủ tục không có gì thú vị lắm.
Tôi cũng không cần mất công hỏi tại sao anh ta không chờ một nhân viên nào
của phái đoàn Mỹ, vì tôi biết tỏng ra rồi. Những phương pháp của người
Pháp rất cổ xưa đưới mắt những người lạnh lùng như chúng tôi; họ tin ở
lương tâm, ở ý thức tội lỗi; phải đặt thủ phạm trước tội ác hắn đã
gây ra xem hắn có đổ sụp xuống, có tự thú không? Tôi tự nhủ một lần nữa
là tôi vô tội, khi qua một cái cầu thang xây bằng đá xuống tầng hầm nơi
máy lạnh kêu vo vo.
Họ lôi xác Pyle ra giống như khi người ta kéo một ngăn nước đá và tôi
nhìn. Những vết thương đã đóng băng nom lạnh lùng vô tri giác.
- Anh xem, - tôi nói, - sự có mặt của tôi có làm các vết thương há miệng
đâu?
- Anh nói gì?
- Phải chăng đấy là một lý do để tôi phải có mặt ở đây? Thử thách về
việc này việc khác? Nhưng anh làm cho hắn băng giá như đá rồi. Ở THỜI TRUNG CỔ LÀM GÌ CÓ MÁY
làm lạnh.
- Anh cũng công nhận điều đó à?
- Ðúng thế.
Pyle có vẻ lạc lõng hơn bao giờ hết; đáng lẽ hắn phải ở lại nhà thì hơn.
Tôi hình dung ra một tập album gia đình, trong đó có ảnh hắn đang rong ngựa
trong một trang trại hoa lệ, đang tắm ở bãi Long Island, hay giữa bọn đồng sự
trong một phòng làm việc nào đó tít trên tầng thứ hai mươi ba. Hắn là
thuộc về những toà nhà chọc trời, về những thang máy lên trực tiếp, về kem
lạnh, về rượu Máctini kẹp thịt gà của con tầu hoả đi từ NewYork về Boston.
- Không phải chết bởi vết thương này đâu. - Vigo vừa nói, vừa chỉ vào vết
đâm nơi ngực. Hắn bị dìm chết trong bùn.
- Các anh làm công việc nhanh thật.
- Bắt buộc phải làm như thế, trong thời tiết này.
Họ đẩy ngăn kéo vào và đóng cửa lại. Cửa viền cao su cho nên không nghe
tiếng sập.
- Tóm lại, anh không giúp được gì cho chúng tôi hiểu thêm ư? - Vigo hỏi.
- Chẳng giúp được gì.
Tôi đi bộ cùng Phượng trở về nhà: Chẳng cần giữ tư thế gì nữa. Cái chết
đã mang đi tất cả những sự sĩ diện ngay đến cả cái sĩ diện của kẻ bị
cắm sừng phải che đậy nỗi đau của mình. Phượng vẫn không ngờ việc gì đã
xảy ra và tôi lại không biết báo tin cho cô ta một cách từ từ và dịu dàng.
Tôi là một nhà báo: tôi tư duy bằng những đầu đề lớn. "Quan chức Mỹ
bị ám sát tại Sài Gòn". Làm việc cho một tờ báo không dạy cho anh những
sự gượng nhẹ cần có khi báo một tin buồn. Ngay lúc này tôi vẫn phải nghĩ
đến công việc của tờ báo của tôi và tôi hỏi Phượng:
- Tôi vào phòng điện tín một lát có làm phiền cô không?
Tôi để cô ở ngoài phố, gửi bức điện đi và ra tìm cô. Ðó chỉ là một
việc cần làm theo thủ tục: Tôi không rõ các phóng viên người Pháp đã
được báo cho biết chưa, hoặc Vigo đóng kịch chơi (có thể như vậy lắm) và
những người làm công việc kiểm duyệt sẽ ngăn bức điện của tôi lại cho tới
khi những người Pháp gửi xong điện của họ đi. Tờ báo của tôi sẽ nhận
được tin từ Paris trước. Không phải vì Pyle là một nhân vật rất quan trọng.
Nhưng không thể điện về những điều cụ thể của sự nghiệp của hắn, về
điều trước khi qua đời hắn đã chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất
50 người khác. Viết như vậy thì quan hệ Anh - Mỹ sẽ rắc rối, và ngài bộ
trưởng sẽ hoảng hồn. Ngài bộ trưởng rất cưng Pyle vì tấm bằng tốt nghiệp
của hắn & ồ, về một đề tài mà các trường Ðại học Mỹ thường cấp tốt
nghiệp, như "Giao dịch chung", kỹ thuật sân khấu, hay cả Khảo sát về
Viễn đông (hắn đã học hàng đống sách).
- Pyle đâu rồi? Phượng hỏi. - Họ muốn gì?
- Về nhà đã, - tôi nói.
- Pyle có tới không?
- Chẳng biết sẽ tới đó hay tới nơi khác.
(Còn tiếp)