NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 28)
- Cẩn thận - Pyle nói - Ta đi vào đây.
Những gốc rạ loạt soạt kêu quanh chúng tôi, bùn bắn tung tóe. Khi Pyle ngừng
lại thì nước đã lên tới ngang lưng. Hắn thở hồng hộc, khiến tôi nghĩ đến
tiếng một chú ễnh ương.
- Phiền anh quá - Tôi nói.
- Tôi không thể để anh nằm đó.
Lúc đầu tôi thấy rất dễ chịu, bùn và nước bó lấy chân tôi một cách mềm
mại, chặt chẽ như một thứ băng đặc biệt, nhưng chẳng bao lâu rét lạnh làm
hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Tôi không hiểu đã đến đã đến quá
nửa đêm chưa, giả dụ Việt Minh không tìm thấy thì cũng phải chịu đựng
thêm sáu giờ nữa.
- Anh có thể dịch người một chút cho đỡ nặng không? - Pyle hỏi - Một lát
thôi.
Thế là cơn giận dữ vô lý của tôi bỗng nổi lên, tôi không có lý lẽ nào
đòi hỏi người ta đến cứu tôi, hay nói đúng hơn là đến đẩy lui giờ chết
bằng cái giá là làm cho tôi đau đớn như thế này. Tôi đứng trên một chân
như con cò để đỡ gánh nặng cho Pyle và khi cử động chúng tôi không thấy
những gốc rạ cào cứa vào chân.
- Anh đã cứu tôi ở chỗ kia - Tôi nói - Ðể mang tôi đến chết nơi đây (Pyle
hắng giọng, sắp sửa trả lời tôi bằng một câu nói công thức). Tôi thích
chết ở nơi khô ráo.
- Anh đừng nói nữa thì tốt hơn - Pyle nói như để dỗ dành người ốm nặng -
Phải tiết kiệm sức lực chứ!
- Ma quỷ nào xui anh cứu tôi. Tôi đến để chết ở cái đất này. Với cái
thói chết tiệt là hay nhúng mũi vào việc của người khác.
Tôi lảo đảo chực ngã trên đất nhão và Pyle lại khoác tay tôi lên vai anh.
- Anh tựa tay vào đi - Hắn nói.
- Anh đã xem nhiều cuốn phim về chiến tranh quá đấy. Chúng mình không phải
là hai tên lính thủy đổ bộ và người ta không thưởng huy chương thập tự
danh dự cho chúng mình đâu.
- Suỵt, suỵt
Chúng tôi nghe thấy tiếng bước chân đi xuống tới bờ ruộng. Trên đường,
khẩu đại liên đã ngừng bắn và tất cả đều im lặng, ngoài tiếng chân đó
và tiếng cây lúa xào xạc. Rồi những bước chân cũng ngừng lại, cách chúng
tôi chỉ bằng chiều rộng của một gian phòng. Tôi cảm thấy trên vai lành của
tôi sức bàn tay Pyle từ từ ấn xuống để tôi lún xuống bùn. Chúng tôi lún
xuống chầm chậm để khỏi chạm mạnh vào gốc lúa. Một đầu gối quỳ xuống tôi
ngửa đầu hết sức về phía sau, vừa đủ để mồm mũi thò lên trên mặt nước.
Chân tôi lại đau nhói và tôi nghĩ, nếu ngất đi thì sẽ bị chết đuối. Từ
xưa tôi vẫn sợ và ghét cái kiểu chết ngụp trong nước. Tại sao người ta
không thể chọn một kiểu chết cho mình nhỉ? Không có mảy may tiếng động nào,
có lẽ cách mười bước chân thôi thì họ hẳn nghe được tiếng sột soạt,
tiếng ho, hay một tiếng hắt hơi. Trời, buồn hơi hơi quá. Nếu chỉ có mình
tôi, nếu tôi chỉ chịu trách nhiệm về cái chết của mình tôi, không phải là
cái chết của hắn, hắn bám lấy cái sống quá! Tôi lấy những ngón tay còn lại
còn được tự do ấn chặt vào môi trên, theo lối của trẻ con khi chơi trốn
tìm, nhưng cái muốn hắt hơi cứ dai dẳng mãi chờ lúc nổ ra, nhưng khi những
người kia đứng chờ trong bóng tối như chỉ đợi có thế! Này hắt hơi này,
này, này...
Nhưng đúng lúc cái hắt hơi phát ra thì quân Việt Minh nổ một tràng tiểu
liên vào ruộng lúa& và tiếng hắt hơi chìm trong tiếng nổ đanh sắc, nghe
như tiếng máy khoan đục lỗ trong một tấm thép. Tôi hít một hơi dài và ngụp
đầu xuống, thế là khi cái chết yêu mến đến thì người ta lại theo bản năng
mà chạy trốn nó. Chúng ta làm nũng với thần chết y như một người đàn bà
cứ bắt người tình hiếp dâm mình. Những thân cây lúa bị quất mạnh, chúc
xuống dưới làn đạn và cơn bão lửa đi qua. Cùng nhô đầu lên một lúc để
thở, chúng tôi nghe thấy những bước chân đi xa dần về phía tháp canh.
- Thoát rồi - Pyle nói.
Tuy đau, tôi vẫn cứ nghĩ: Thoát cái gì nhỉ? Trước mắt tôi là sự già nua,
một chân biên tập viên tại tòa soạn, sự cô đơn, còn đối với hắn, bây
giờ rõ ràng là hắn đã buột miệng nói và nhanh nhảu quá. Rồi trong đêm
tối, chúng tôi đứng đợi. Trên đường về Tây Ninh, một đám lửa ăn mừng
bốc lên, lửa bùng cháy vui vẻ như trong một đêm hội hè.
- Cháy xe của tôi rồi.
- Hoài của, anh Thomas. Tôi chúa ghét những sự hủy hoại vô ích.
- Vừa đủ ét xăng cho chiếc xe bị đốt cháy. Anh Pyle có rét như tôi không?
- Không bao giờ rét như thế này.
- Hay chúng ta đi ra và nằm trên đường?
- Chờ họ đi hộ nửa giờ nữa.
- Tôi tỳ lên anh nặng quá.
- Chịu được, tôi còn trẻ mà.
- Anh ta đưa cái yêu sách đó ra để nói đùa, nhưng câu nói lại làm tôi
lạnh người đi như gặp phải bùn nước vậy. Tôi muốn xin lỗi anh ta về những
lời lẽ mà khi đau tôi đã thốt ra, nhưng nỗi đau của tôi lại lên tiếng:
- Ðúng là anh còn trẻ. Anh có thể cho phép anh chờ đợi phải không?
- Tôi chẳng hiểu anh định nói gì, anh Thomas.
Chúng tôi đã cùng nhau sống mấy giờ dài bằng cả bảy đêm của một tuần,
nhưng anh ta cũng chưa hiểu tôi, cũng như anh ta không hiểu tiếng Pháp vậy.
- Ðúng ra anh cứ để tôi ở chỗ kia thì hơn - Tôi nói.
- Thế thì tôi còn mặt mũi nào mà nhìn thấy Phượng nữa.
Cái tên Phượng vừa nói ra đó giống như một con bài đối thủ vừa quật ra
bàn, nằm giữa hai người, tôi chấp nhận sự thách thức.
- Thì ra vì Phượng mà anh đã làm những việc như vậy. (Cơn ghen của tôi lại
càng lố bịch và nhục nhã, vì đáng lẽ phải được biểu lộ bằng những tràng
lời lẽ như trên sân khấu, thì này chỉ có thể thì thào rất nhỏ với nhau).
Anh tưởng rằng cái trò bịp đóng vai người hùng sẽ gây ấn tượng cho cô ta
sao? Sao mà anh lầm vậy! Nếu tôi mà chết thì cô ta có thể thuộc về anh.
- Tôi không muốn nói thế. Nhưng, khi người ta yêu thì người ta cũng chịu
chơi lắm chứ, thế thôi.
-Ðúng vậy - Tôi nghĩ - Nhưng sự đời đâu có đơn giản như hắn tưởng. Khi
yêu, người ta tự nhìn mình bằng con mắt của người khác, người ta thành ra
yêu một hình ảnh của bản thân không còn nguyên vẹn vì được tô vẽ cho
thanh cao hơn. Trong khi yêu không còn có thể thật sự vì danh dự mà hành
động, cử chỉ anh hùng chẳng qua chỉ là một vai hề đóng trước một công
chúng hai người. Có lẽ tôi hết yêu rồi, nhưng vẫn nhớ lại khi còn yêu.
- Ở VÀO ĐỊA VỊ ANH THÌ TÔI
chuồn một mình - Tôi nói.
- Ồ, KHÔNG PHẢI THẾ ĐÂU,
đời nào anh lại làm thế, anh Thomas!
Và hắn nói thêm với một vẻ tự phụ không sao chịu nổi:
- Tôi hiểu anh hơn là anh tự hiểu mình.
(Còn tiếp)