NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 30)
Tôi
chậm rãi leo thang gác lên phòng tôi ở phố Catina, tới tầng một phải ngừng
một lát để nghỉ lấy sức. Những bà già gần như thường lệ ngồi ở bậc
thang, trước buồng tiểu, nói chuyện phiếm với nhau, nét mặt nhăn nheo như
những đường số phận mà ta đọc trên bàn tay họ. Ho im tiếng khi tôi đi qua
và tôi tự hỏi, nếu biết tiếng Việt thì tôi đã nghe được điều xảy ra khi
tôi nằm tại bệnh viện của quân đội lê dương, trên đường đi Tây Ninh.
Dọc đường tôi đã đánh rơi mất chìa khóa, nhưng tôi đã viết thư cho
Phượng, thư chắc cô nhận được, nếu cô vẫn còn ở đây. Chữ "nếu"
đó như tóm gọn tất cả những nỗi băn khoăn của tôi. Nằm viện, tôi không
nhận được thư nào của cô, nhưng tôi hiểu là cô viết tiếng Pháp rất chật
vật, còn tôi lại không biết tiếng Việt. Tôi gõ cửa, cửa mở ra luôn, tôi
luôn thấy như không có điều gì khác trước. Tôi theo dõi cô rất kỹ khi cô
hỏi han sức khỏe tôi, để tay vào chân tôi đang còn phải mang nẹp và chìa
vai cho tôi tựa, y như người ta có thể tìm thấy chỗ dựa chắc chắn tại một
cây non vậy.
- Tôi thật vui lòng khi trở về nhà chúng ta.
Cô ta nói là nhớ tôi nhiều và tất nhiên là điều tôi mong được nghe, giống
như một người phu xe khi họ trả lời, cô ta bao giờ cũng nói ra những điều
mình mong được nghe nhất, trừ phi bất ngờ và tôi đang chờ đợi cái điều
bất ngờ đó.
- Cô giải trí như thế nào?
- Ồ, TÔI LẠI BÀ CHỊ CHƠI
luôn. Bà ta đã tìm được việc làm ở Mỹ.
- A, thế ư? Pyle tìm hộ?
- Không phải Pyle mà Jo.
- Jo là ai nhỉ?
- Anh quên đấy thôi. Tuỳ viên thương mại.
- A, phải, đúng rồi.
Ðấy là một con người mà người ta không sao nhớ nổi. Ngay tới bây giờ, tôi
cũng không sao miêu tả nổi hắn, tôi chỉ nhớ lại cái bụng phệ, cặp má nhẵn
thín lại xoa phấn, và tiếng cười hơ hớ, còn cá tính của hắn ra sao, tôi
không nhớ nổi. Tôi chỉ biết hắn mang tên Jo. Có những người bao giờ cũng
mang tên gọi tắt.
Phượng đỡ cho tôi nằm xuống giường.
- Cô có đi xem chiếu bóng không? - Tôi hỏi.
- Có một phim hay lắm chiếu ở rạp Catina.
Và cô ta lập tức kể lại nội dung chuyện phim một cách tỷ mỷ, trong khi tôi
đưa mắt tìm cái phong bì trắng phải đựng một bức điện. Chừng nào tôi
chưa hỏi thì tôi có thể tin rằng Phượng đã quên không nói lại với tôi,
và chiếc bì thư có thể ở trên bàn, gần cái máy chữ hay trên chiếc tủ, hay
là cẩn thận hơn, trong ngăn kéo nơi cô cất cái khăn choàng.
- Viên thu ngân của sở dây thép (tôi cho đó là thu ngân, nhưng có thể đó
là viên thị trưởng) theo dõi họ về tận nhà, mượn ông chủ hiệu bánh mì
chiếc thang leo lên tận cửa sổ của Corin, nhưng cô ta lại chạy sang buồng bên
với Phrăngxoa, hiểu không, cho nên anh ta không nghe thấy bà Bompie tới. Bà ta
vào nhà, thấy anh ta trên thang, lại tưởng rằng...
- Bà Bompie là ai? - Tôi hỏi và quay lại nhìn bàn trang sức của Phượng, nơi
cô tay hay để tờ giấy đánh dấu những việc cần làm giữa các chai lọ.
- Tôi đã nói rồi đấy. Là mẹ của Corin và đang kiếm một ông chồng vì bà
ta góa bụa.
Phượng ngồi lên giường, luồn tay vào trong áo sơ mi của tôi.
- Phim vui lắm! - Cô nói.
- Hôn tôi đi, Phượng.
Cô ta không biết làm duyên. Bảo gì thì cô làm theo lời ngay, rồi lại kể
tiếp chuyện phim. Cô ta như thế đấy, nếu bảo ngủ với tôi, thì cô liền tụt
quần dài ra, sau đó chắc chắc lại kể tiếp câu chuyện phim ở chỗ bà Bompie
bắt gặp ông thu ngân đang leo thang.
- Tôi có điện tín không?
- Có.
- Sao không đưa?
- Sao anh lại làm việc luôn như vậy? Anh phải nằm và nghỉ ngơi.
- Nhỡ không phải điện về công việc thì sao?
- Phượng đưa cho tôi phong bì và tôi thấy nó đã bị mở. Ðiện viết:
"Yêu cầu gửi bốn trăm chữ về ảnh hưởng của việc De Lad về nước đối
với tình hình chính trị và quân sự".
- Ðúng là điện về công việc. Sao cô biết? Sao cô lại mở điện ra xem?
- Tôi tưởng điện của vợ anh. Tôi hy vọng nhận được một tin tốt lành.
- Ai dịch cho cô?
- Tôi đưa bà chị.
- Nếu đó là một tin không vui thì Phượng có bỏ tôi không?
Cô ta xoa bàn tay vào ngực tôi để yên tâm, lần này cô không hiểu rằng tôi
đang thèm nghe những lời nói, dù đó chỉ là những lời dối trá.
- Anh có hút một điếu không? Anh cũng có một lá thư đấy. Có lẽ của bà ta.
- Cô cũng mở ra xem chứ?
- Thư thì tôi không bóc. Ðiện là những thứ công khai. Nhân viên bưu điện
vẫn đọc.
Chiếc phong bì nằm trong ngăn đựng khăn quàng. Cô dùng mấy ngón tay lôi ra
và để nhẹ nhàng lên giường. Tôi nhận ra chữ người viết.
- Nếu đây là một không lành thì cô có...
Tôi biết trước là tin chỉ có thể là không hay. Một bức điện có thể là
dấu hiệu của một thiện chí bột phát, một bức thư có thể là một sự thanh
minh, bào chữa cho nên tôi để câu hỏi lửng lơ, vì thật là không lương
thiện khi van xin một lời hứa mà không ai có thể giữ nổi.
- Anh sợ điều gì? - Phượng hỏi.
Và tôi nghĩ: tôi sợ sự cô đơn, sợ câu lạc bộ báo chí, sợ cảnh nhà chứa.
Tôi sợ Pyle.
- Cho tôi một cốc rượu pha với nước.
Trong khi chờ đợi có rượu, tôi đọc dòng đầu thư: "Anh Thomas thân
yêu" và lời cuối thư: "Thân mến, Hellen".
(Còn tiếp)