NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 31)
Thư của vợ anh phải không?
- Ðúng.
Trước khi đọc thư, tôi cứ tự hỏi: đọc xong, tôi sẽ nói thật hay nói dối
với Phượng?
"Anh Thomas thân yêu.
Tôi không ngạc nhiên khi nhận được thư anh và biết anh không sống một mình
trong khi xa nhà lâu ngày được, phải không? Anh nhặt đàn bà như chiếc áo
veston của anh hứng những hạt bụi. Tôi sẽ ái ngại cho tình cảnh của anh hơn
nếu tôi không nghĩ rằng trở về London, anh cũng sẽ dễ dàng tìm thấy sự an
ủi khác. Chắc anh không tin tôi nói rằng điều làm tôi suy nghĩ không cho
phép tôi điện cho anh chức "không" cộc lốc, đó là vì tôi nghĩ
đến cô gái đáng thương đang sống với anh, người phụ nữ bao giờ cũng hiến
mình hơn những người đàn ông nhiều!".
Tôi uống một hớp rượu. Tôi đã không không hiểu rằng những vết thương
trong quan hệ vợ chồng sau bao nhiêu năm vẫn chưa khép kín miệng. Tôi vô tình
vì dùng chữ một cách vụng về đã làm những vết thương cũ của vợ tôi ứa
máu. Bây giờ thì sao còn có thể trách là để đáp lại bà ta, đã cứa vào
những vết sẹo cũ của tôi. Khi đau khổ, thường người ta hay làm tổn thương
lẫn nhau.
- Tin dữ à? - Phượng hỏi.
- Cũng khá ác - Tôi đáp - Nhưng bà ta có quyền.
Tôi tiếp tục đọc:
"& Tôi đã tưởng trong bọn chúng tôi, anh yêu nhất cô Anne, cho tới
lúc anh cuốn gói và biến mất. Và đến bây giờ là lúc anh định bỏ một
người đàn bà khác, vì tôi xem giọng thư của anh thì cảm thấy thật sự
không mong chờ ở tôi sự trả lời thuận lợi cho anh. Nếu tôi trả lời:
"Ðồng ý" thì anh sẽ quyết định sao đây? Anh có định lấy cô ta
làm vợ hay không? (Tôi bị buộc phải dùng chữ cô ta vì anh không cho tôi biết
tên cô ta là gì). Có lẽ như thế đấy. Tôi phỏng đoán rằng anh ngày càng
có tuổi và lo sợ phải sống cô đơn. Bản thân tôi lắm lúc cũng thấy đơn
độc quá. Tôi nghe tin Anne đã có người bạn đời khác. Nhưng anh đã xa cô
ta đúng lúc".
Bà ta đã thấy đúng đâu là vết thương chưa khép kín miệng. Tôi uống một
tợp rượu nữa. "Cắt chỉ ở vết thương", thành ngữ này bỗng xuyên
qua óc tôi.
- Ðể tôi tiêm cho anh một điếu thuốc - Phượng nói.
- Gì cũng được, gì cũng được.
"Vì lẽ trên, trong số những lẽ khác, tôi có bổn phận trả lời anh là
"không" (không cần nêu ra đây những lý lẽ về giáo lý, vì anh có
hiểu và còn niềm tin đâu!). Việc anh đã làm chồng, ai cũng không cấm được
anh bỏ người đó phải không? Ðiều này chỉ làm anh lùi ngày về nước lại
và như vậy càng thêm thiếu trung thực với ngời đàn bà trẻ đó, nếu anh đã
sống với cô ta cũng lâu như sống với tôi. Anh sẽ đưa cô ta về Anh quốc,
nơi cô thấy mình bị lạc lõng và xa lạ và khi anh bỏ cô ta thì cô ta sẽ
thấy mình bị hắt hủi một cách tệ bạc biết mấy! Tôi tin rằng đến cầm con
dao ăn và chiếc dĩa, cô ta cũng không biết nữa. Tôi nói rất tàn nhẫn, vì
tôi đang nghĩ đến lợi ích của cô ta hơn là nghĩ đến lợi ích của anh.
Nhưng, anh Thomas, thế cũng là nghĩ đến anh đấy!".
Tôi buồn nôn thật sự. Lâu lắm tôi không nhận được thư của vợ. Nay tôi
buộc bà ta phải viết và tôi thấy nỗi đau của bà ta toát ra từ mỗi dòng.
Nỗi đau của bà ta đánh vào nỗi đau của tôi: chúng tôi trở lại con đường
mòn làm khổ lẫn nhau. Nếu tình có thể không là lụy nhỉ? Trung thành với nhau
chưa phải là đủ. Tôi đã trung thành với Anne, nhưng tôi vẫn làm Anne đau
khổ. Khi đựơc yêu là người ta tự chuốc lấy khổ đau, chúng ta nhỏ bé quá
cả về phần xác lẫn phần hồn, để khi chiếm đoạt ai lại không tự kiêu, hoặc
bị lệ thuộc vào ai mà không tủi nhục. Mặt khác, tôi hài lòng vì lại bị vợ
xỉ vả, lâu nay tôi đã quên nỗi đau của bà và bà chỉ có cách bù lại là
mạt sát tôi. Nhưng khốn thay những kẻ vô tội bao giờ cũng bị lôi vào bất
kỳ sự xung đột nào. ở mọi nơi, mọi lúc đều có một tiếng than khóc cất
lên từ một tháp canh.
Phượng thắp chiếc đèn nhỏ lên.
- Bà ấy cho anh lấy tôi không?
- Tôi vẫn chưa rõ.
- Bà không nói à?
- Nếu có nói thì bà cũng phải viết dài lắm.
Tôi thấy tự mình khoe khoang là không đứng về bên nào, là phóng viên chứ
không phải là nhà bình luận, nhưng thực ra tôi đứng ở hành lang mà lại gây
ra bao đổ vỡ. Chính ra đánh nhau thực sự lại không độc ác bằng. Dùng súng
cối mà bắn lại gây ít đổ vỡ hơn.
"Nếu tôi hành động ngược lại với niềm tin tưởng sâu xa nhất của tôi
và tôi nói "đồng ý", thì có phải là hành động về lợi ích của
anh không? Anh biết rằng anh bị gọi về nước và tôi hiểu rằng anh sẽ ghét cay
đắng cuộc sống ở đây và sẽ làm bất cứ điều gì để cho nó dễ chịu hơn.
Tôi như nhìn thấy anh quyết định lấy một người vợ sau khi uống quá một
chén rượu. Lần đầu, chúng ta đã thành thật cố gắng - anh cũng như tôi -
và chúng ta đã thất bại. Lần thứ hai người ta không cố gắng với nghị lực
ngang với lần thứ nhất. Anh đã nói nếu anh mất tôi thì đời anh không còn
gì nữa. Xưa kia, viết thư cho tôi, anh đã dùng câu nói như vậy. Tôi có thể
đưa anh xem lại thư, tôi còn giữ nó đây& và tôi đoán anh cũng viết cho
Anne câu đó. Anh nói rằng hai chúng ta đã luôn nói với nhau nghe sự thật,
nhưng anh Thomas ơi, sự thật đối với anh tại sao chỉ có giá trị nhất thời
như vậy. Tranh luận với anh làm gì, cố gắng nói anh hiểu lẽ phải làm gì?
iều dễ dàng hơn đối với tôi là hành động theo niềm tin của tôi,
theo cái mệnh lệnh phi lý, chắc anh sẽ nghĩ vậy và viết cho anh mấy chữ: Tôi
không tin rằng nên ly hôn, đức tin của tôi cấm làm điều đó, vậy câu trả
lời của tôi là: "không", anh Thomas ạ, không".
Trước khi kết thúc bằng lời chào "thân ái, Hellen" thư còn nửa trang
nữa mà tôi không đọc. Tôi tin rằng cuối thư là phần bà ta cho tôi biết tin
tức về thời tiết và về bà cô già mà tôi rất yêu quý.
(Còn tiếp)