NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 34)
Anh ngồi trên giường, thẳng lưng, chân xếp
vành tròn khiến ta ít có cảm tưởng đang tới thăm người ốm, mà đang được
một vương công hay một tu sĩ cho tiếp kiến.
Khi cơn sốt bốc lên, mặt anh nhễ nhại mồ hôi, nhưng không
bao giờ anh để mất đi sự tỉnh táo. Có thể nói như căn bệnh đang giầy vò
thân thể một người khác. Bà chủ trọ lúc nào cũng để một bình nước chanh
lạnh vừa tầm tay anh, nhưng không bao giờ thấy anh uống, hình như làm thế là
thú nhận rằng chính cơn khát đó là cơn khát của anh, cái hình hài đang
đau đáu kia là hình hài của anh vậy.
Trong tất cả những buổi tới thăm anh, tôi nhớ lại một buổi đặc biệt. Tôi
không còn hỏi thăm anh về sức khỏe nữa, vì sợ câu hỏi hình như trách móc
anh. Chính anh mới là người quan tâm đến sức khỏe của tôi một cách ân cần,
và băn khoăn xin lỗi về mỗi bậc cầu thang mà tôi phải leo lên để tới thăm
anh.
- Tôi muốn anh gặp một người bạn thân của tôi - anh nói - anh bạn đó có
câu chuyện chắc anh sẽ quan tâm.
- Thật thế à?
- Tôi đã ghi tên anh ta, vì tôi biết anh khó mà nhớ được người Hoa. Tất
nhiên không được để lộ ra cái tên đó. Trên bến Mỹ Tho có một cái kho
chứa sắt cũ.
- Chuyện quan trọng?
- Có thể.
- Nói qua cho tôi biết là chuyện gì đi?
- Tôi muốn anh ta trực tiếp nói với anh. Trong câu chuyện có điều gì lạ lắm
mà tôi không hiểu nổi.
Mồ hôi chảy nhễ nhại trên mặt anh, nhưng anh cứ để mặc cho nó chảy, như
mỗi giọt là một vật sống và thiêng liêng.
(Anh vẫn còn giữ được nhiều tính của người ấn, và đến một con ruồi anh
cũng không nỡ giết).
- Ðúng ra thì anh hiểu thế nào về ông bạn thân Pyle của anh chứ?
- Không hiểu gì nhiều lắm. Ðường đi của chúng tôi cắt ngang nhau, thế thôi.
Từ hôm đi Tây Ninh về, tôi không gặp anh ta.
- Hắn làm công việc gì?
- Làm ở phái đoàn thương mại, nhưng đó chỉ là một cái vỏ che đậy cho vô
số hành động xấu xa khác. Tôi tin rằng hắn quan tâm đến những công nghiệp
địa phương có dính tới người Pháp tiếp tục cuộc chiến, vừa chăm lo nhưng
việc riêng của họ.
- Hôm nọ tôi đã nghe hắn nói trong một buổi Lãnh sự quán chiêu đãi các
đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ tới thăm. Hắn là người phải báo cáo.
- Nhờ trời phù hộ cho Quốc hội! Tôi nói - Hắn mới đến đây chưa đầy sáu
tháng.
- Hắn nói về những nước thực dân già cỗi: Pháp và Anh, về sự bất lực của
Pháp cũng như Anh trong việc gây lòng tin cho những người châu á. Chính vì
thế mà người Mỹ phải can thiệp vào, vì họ có đôi bàn tay sạch sẽ hơn.
- Như ở Honolulu, Poocto Rico, chẳng hạn - Tôi nói.
- Và một người nào đó nêu cái câu hỏi kinh điển là liệu chính quyền ở
đây có thể thắng đựơc Việt Minh không, thì hắn trả lời rằng một lực
lượng thứ ba mới có thể thắng được. Vẫn có thể tìm ra một lực lượng thứ
ba, không ảnh hưởng chủ nghĩa cộng sản và cũng không dính tới chủ nghĩa
thực dân, hắn gọi đó là một chủ nghĩa dân chủ quốc gia, chỉ cần kiếm một
người cầm đầu và bảo vệ cho họ chống lại những thế lực thực dân.
- Tất cả những điều trên đều có trong sách của York Hardin. Hắn đã đọc nớ
trước khi rời Hoa Kỳ. Ngay tuần đầu tới đây, hắn đã nói với tôi như thế
và từ đó hắn không không hơn ra được chút nào.
- Có lẽ hắn đã tìm được người cầm đầu.
- Việc này có nghiêm trọng không?
- Không rõ. Tôi không biết hắn đang làm những việc gì. Nhưng anh, anh đi gặp
và chuyện trò với người bạn của tôi ở bên Mỹ Tho đi!
Tôi tạt về phố Catina để lại vài chữ cho Phượng rồi thuê xe ra bến khi mặt
trời đang lặn. Bàn ghế này la liệt trên bến, gần những tầu biển, tàu chiến
sơn màu xám và xe lưu động bán thức ăn đang nhả khói sôi sùng sục. Dọc
theo đại lộ Som, những người thợ đang cắt tóc dưới bóng cây và những
người bói bài tây ngồi xổm dọc chân tường đang trải ra những lá bài nhem
bẩn. ến Chợ Lớn là đến một thành phố khác hẳn, ban đêm, các hoạt
động đáng lẽ giảm dần thì lại bắt đầu nhộn nhịp. Người ta có cảm tưởng
như đang đi vào một quang cảnh sân khấu, các biển dọc ghi tên cửa hàng,
những đèn sáng chói và những người đóng trò lôi cuốn anh đi theo vào hậu
trường đột ngột tối và im ắng hơn hẳn. Một ngách đi giữa phông và màn,
đưa tôi ra bến sống, nơi thuyền bè đỗ san sát, nơi những kho hàng cửa mở
toang hoác trong bóng đêm vắng vẻ. Khó khăn lắm và gần như vì tình cờ, tôi
mới tìm ra nơi định đến. Kho hàng vẫn chưa đóng cửa và tôi thấy ngổn
ngang những hình thù kỳ lạ - như trong tranh Picasso của một đống đồ sắt cũ
dưới anh một ngọn đèn dầu, giường sắt, bồn tắm ngăn tủ, mui xe, với những
vệt sơn cũ còn sót lại sáng lên dưới ánh đèn. Tôi lách mình đi theo một
lối giữa đống sắt và gọi tên ông Chu, nhưng không ai trả lời. Bên trong kho
hàng có một cầu thang mà tôi đoán là để đi lên nhà ông Chu. Tôi đã đi
vào lối cửa sau theo sự chỉ dẫn và chắc Domige có cái lẽ của anh. Ngay bên
cầu thang cũng là đống sắt và đồ đạc cũ sẽ được việc trong cái nhà
giống như tổ chim sáo này. Lên gác một, tôi thấy một phòng rộng lớn, nơi
cả một gia đình, người thì nằm, người thì ngồi, tựa như một đội quân
trú tạm, khi cần thì bốc ngay đi được. Những chén trà để mỗi nơi một
chiếc, giữa vô số những hộp giấy đựng gì không rõ và những chiếc va-li giả
da, tất cả đều đóng kín. Trong nhà có một bà cụ ngồi trên một chiếc
giường rộng, hai đứa con trai, hai đứa con gái nhỏ, một chú bé lê la trên
mặt sàn, ba người đàn bà đứng tuổi quần áo nâu sồng cũ và ở trong một
góc, hai ông già áo dài lụa xanh dang đánh mạt chược. Họ thấy tôi vào
nhưng vẫn cứ dửng dưng. Họ gieo bài rất nhanh, chỉ cần xoa tay là biết quân
gì, và tiếng xoa bài giống như tiếng sỏi khi sóng lui trên bờ biển. Cũng như
hai ông già, không có chú ý tới tôi, chỉ cần có con mèo nhảy vọt trên
đống hộp giấy và một con chó gầy tới gần ngửi ngửi tôi rồi lại bỏ đi.
(Còn tiếp)