NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 39)
Tôi
đã phải chịu đựng sự trừng phạt. Có thể nói rằng Pyle, khi rời khỏi phòng
tôi đã bắt tội tôi phải sống nhiều tuần lễ hoài nghi, lo ngại. Cứ mỗi lần
về đến nhà là mỗi lần đón chờ một tai họa.
Ðôi khi, Phượng không ở nhà và tôi
không sao làm việc được cho tới lúc cô về, vì tôi luôn tự hỏi không biết
cô có về nữa hay không. Tôi khéo hỏi xem cô đi về những nơi đâu (và cố
để cho sự lo ngại, nghi ngờ không xen vào trong giọng nói của mình). Và cô ta
trả lời "đi chợ" hay "ra hiệu", vừa nói vừa giơ một vật
để làm bằng (lúc đó, ngay đến việc cô vội vã chứng mình cho lời nói cũng
lại càng khiến cô đáng khả nghi hơn) và đôi khi là đi xem chiếu bóng, cái
cuống vé sẵn đấy để làm bằng, thảng hoặc đi thăm bà chị thì hẳn là, theo
tôi nghĩ, để gặp lại Pyle tại đó. Trong thời gian này, tôi ngủ với cô một
cách thô bạo, y như vì ghét cô, nhưng chính ra tôi có ghét là ghét sự lo
lắng cho tương lai. Sự trống trải vào tận giường tôi, tôi ôm trong lòng tôi
sự trống trải. Phượng thì không có gì khác trước, cô nấu cơm, tiêm thuốc,
với sự dịu dàng và vẻ dễ mến, cô hiến tấm thân cô cho sự khoái lạc của
tôi (nhưng đâu còn sự khoái lạc). Và giống những ngày đầu, khi tôi muốn
hiểu tâm hồn cô, ngày nay tôi muốn biết cô đang có những ý nghĩ gì, nhưng
cô giấu những ý nghĩ đó dưới một thứ ngôn ngữ mà trước tôi chưa hề quen
biết. Tôi không muốn vặn hỏi cô. Tôi không muốn buộc cô phải nói dối
(chừng nào người chưa nói dối trắng trợn với nhau, thì người ta còn nuôi
ảo tưởng là giữa hai người chưa có gì thay đổi), nhưng rồi sự lo âu của
tôi bỗng bật thành tiếng, và tôi hỏi:
- Cô gặp Pyle lần chót khi nào?
Cô ngập ngừng hoặc cô thực sự tìm nhớ lại, tôi cũng không rõ:
- Ðó là lần anh ta tới đây lần cuối cùng.
Gần như một cách không có chủ định, tôi đâm ra phủ định tất cả những
cái gì là của Hoa Kỳ. Trong khi trò chuyện, tôi luôn nhấn mạnh về sự tầm
thường của văn học Mỹ, những vụ bê bối trong chính cuộc Mỹ, tư cách bỉ ổi
của trẻ con Mỹ. Người ta có thể nói là vì Phượng mà tôi không chỉ mất
một người bạn, mà mất đi cả một quốc gia. Không có gì Hoa Kỳ làm mà lại
có thiện ý. Tôi đi đến chỗ làm người ta nhức đầu về sự ám ảnh bởi
nước Mỹ, ngay cả những người bạn Pháp, họ sẵn sàng chia sẻ với tôi sự
khinh ghét đó. Y như tôi bị một kẻ phản bội lại. Nhưng người ta chỉ có
thể gán chữ phản bội cho một bạn bè thôi chứ, còn đây lại là kẻ thù.
Chính vào lúc xảy ra vụ "bom xe đạp". Một hôm từ quán rượu Hoàng
Gia về, tôi thấy căn phòng trống rỗng (Phượng đi xem chiếu bóng hay ở nhà
bà chị?). Anh ta xin lỗi vì còn ốm và yêu cầu tôi mời giờ rưỡi sáng mai có
mặt trước cửa hiệu lớn tại góc đại lộ Sacne. Anh ta viết thư theo yêu cầu
của ông Chu, nhưng tôi cho là của ông Heng thì đúng hơn, ông ta đòi hỏi sự
có mặt của tôi ở nơi đó.
Tất cả vụ này thực ra không đáng được kể lại trong một đoạn viết, nhất
là một đoạn văn hài hước. Việc sẽ không đáng giá gì nếu so với cuộc
chiến đáng buồn và nặng nề đang dai dẳng ở miền Bắc, so với những con sống
đào đầy xác chết bị ngâm nước lâu ngày ở Phát Diệm, với tiếng súng cối
dập xuống, hay với ánh sáng thê thảm của bom napan bùng cháy. Tôi chờ chừng
mười lăm phút cạnh một quầy bán hoa, thì một chiếc cam-nhông chở đầy cảnh
binh từ tổng hành dinh cảnh sát phố Catina đỗ xịch trong tiếng phanh nhức óc
và tiếng bánh xe kín kít sát mặt đường. Người từ trên xe nhảy xuống và
xông tới cửa hàng như để tấn công vào đám đông dân chúng nhưng không có
đám đông, chỉ có một dãy xe đạp đổ nghênh ngang. Tất cả những tòa nhà
lớn ở Sài Gòn đều có một hàng rào như vậy bao quanh, ở các nước phương
Tây chúng ta không có một khu sinh viên nào lại lắm xe đạp như vậy. Trước
khi tôi chỉnh được chiếc máy ảnh thì một cảnh tức cười và không hiểu nổi
đã diễn ra xong xuôi. Những cảnh binh đã lách tới được cái rừng xe đạp
ấy rồi lại nhô lên giơ cao trên đầu ba chiếc, chạy ngang qua mặt đường rồi
vứt vào cái bể nước xây làm cảnh. Tôi không túm được một người nào
trong bọn, họ đã nhảy lên xe phóng nhanh về phía đại lộ Bona.
- Trận đánh xe đạp - Có tiếng nói, tiếng ông Heng.
- Có việc gì đang diễn ra thế? - Tôi hỏi - Tập à? Ðể làm gì?
- Xin chờ một lát - Ông Heng nói.
Một vài người đang dạo chơi bắt đầu tiến lại gần bên bồn nước, nơi một
bánh xe thò lên như một chiếc phao báo hiệu cho tầu qua lại biết nơi đây
còn có những xác tàu bị chìm. Một cảnh binh vừa chạy qua đường vừa xua tay.
- Ta tới gần xem một chút.
- Cứ đứng đây thì hơn - Ông Heng nói, mắt dán vào chiếc đồng hồ đeo tay.
Kim chỉ mười một giờ bốn phút.
- Ðồng hồ ông nhanh đấy! - Tôi nói.
- Khi nào nó cũng nhanh vài phút.
(Còn tiếp)