NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 41)
Hình
như trong nhà không có ai: Tôi cứ việc vào. Tôi nghĩ chắc họ tạm lánh để
đề phòng cảnh binh đến tìm bắt.
Có thể ông Heng đã báo mật thám, nhưng
dù có thế, cảnh sát chắc cứ khoanh tay. Chúng cho rằng cứ để cho công chúng
tin là các vụ nổ do cộng sản gây ra thì vẫn có lợi hơn.
Không có gì ngoài chiếc xe và những mẩu
sắt rải rác trên nền xi măng. Khó mà tưởng tượng được rằng những quả bom
có thể được chế tạo tại đây. Tôi chỉ có sự hiểu biết mơ hồ về cách
chế biến chất bột tôi đã thấy trong các hộp thành mìn nhựa, nhưng rõ rằng
đó là một công việc quá phức tạp không thể tiến hành ngay ở đây, nơi mà
ngay hai chiếc bơm ét-xăng ngoài cửa xem chừng cũng không được bảo quản tử
tế. Tôi đi ra tận cửa và nhìn ra ngoài. Dưới hàng cây, phía giữa phố,
những người thợ cạo đang làm việc, một mảnh gương treo trên thân cây phản
chiếu lại những tia mặt trời. Một cô thiếu nữ đầu đội nón, quang gánh trên
vai, đang chạy. Người bói bài tây, ngồi xổm lưng tựa vào tường hãng Simon,
đang có một vị khách: một người già, râu thưa, thản nhiên nhìn ông thầy
bói trang và lật những con bài cũ kỹ. Tương lai cụ đáng giá bao nhiêu và
bỏ hẳn một đồng bạc ra xem số? Trên đại Somer, người ta sống ngay ở ngoài
đường, mọi người đều biết rõ những điều cần biết về ông Mười, nhưng
cảnh sát thiếu cái chìa khóa để mở được lòng tin của họ. Sống ở cái mức
như thế này thì tất cả đều phơi bày ra, những người ta không thể xuống
sống ở mức sống đó như đi xuống phố được. Tôi lại nhớ tới những mụ già
ngồi nói phiệu ở cầu thang gác, cạnh những nhà tiêu công cộng, các mụ đó
cũng nghe biết hết được mọi tin đồn, nhưng tôi nào có biết được họ đã
biết những gì.
Lộn về nhà chứa xe, tôi vào đựơc một
phòng giấy nhỏ ở trong cùng, tôi thấy cuốn lịch Tầu quảng cáo như mọi nơi,
một bàn viết ngổn ngang, cataloge, lọ cồn, máy tính, kìm kẹp, ấm tích, ba
chén uống nước trà, một lô bút chì chưa gọt, và có trời mới hiểu được,
cả một bưu ảnh mới mang hình Eiffel nữa. York Hardin có thể viết bằng những
công thức trừu tượng về lực lượng thứ ba, nhưng đấy chính là lực lượng
thứ ba ấy, ngoài ra không có gì khác! Giữa bức tường hậu có một cái cửa
khóa chặt, nhưng chìa khóa lại để giữa đống bút chì. Tôi mở cửa và đi
sang bên kia.
Tôi thấy mình đang ở trong một nhà kho
rộng ngang tới cái garage. Trong kho chỉ có một cái máy mới nom tưởng là một
cái lồng làm bằng ống tuýp và dây thép với vô số những giàn cho chim đậu.
Người ta dễ có cảm giác là tất cả những thứ đó đều được buộc vào nhau
bằng những mảnh vải cũ, nhưng chắc các miếng vải chỉ được dùng để lau và
còn vương ở đó khi ông Mười và đồng bọn vội bỏ chạy. Tôi nom thấy tên
hãng sản xuất ra chiếc máy làm tại thành phố Lion và số thứ tự của bằng
sáng chế. Tôi cắm cho điện chạy và chiếc máy cổ lỗ sống lại, những thanh
sắt có sức mạnh nhất định, chiếc máy quá nhiều tuổi giống như một cụ già
thu hết tàn lực, dùng tay đấm, đấm hết sức mình. Ðúng là một cái máy
nén, cổ lỗ sĩ. Nhưng máy nén này vẫn dùng được tại các nước người ta
không bỏ chi phí một vật gì, có thể bất kỳ cái gì một hôm có thể từ chỗ
bị quên lãng nhảy ra trút hơi thở tàn của mình. Tôi nhớ lại là đã xem tại
một phố nhỏ của thành phố Nam Ðịnh, một cuốn phim rất cổ: Con tầu Robery to
lớn, chiếu ra, hình chỉ thấy loáng thoáng, nhưng vẫn đôi chút mua vui cho
khán giả.
Tôi lại gần xem cho rõ hơn, và còn thấy
những vệt bột trắng. Ðúng là Dionlacton rồi. Nhưng không tìm đâu ra hộp sắt
hay khuôn ép. Tôi quay trở lại phòng giấy, rồi nhà garage. Tôi toan vỗ một
cái thân mật lên chắn bùn của chiếc xe cũ kỹ, nó có lẽ còn phải chờ lâu
đấy, nhưng chính nó, biết đâu, một ngày nào đó. Trong lúc này, chắc ông
Mười đang tìm cách lội qua ruộng để tới khu núi thiêng nơi tướng Thế đặt
bản doanh. Khi tôi gọi to: Ông Mười! thì tôi lại tưởng như đã đi xa nhà
garage, đại lộ, những người thợ cạo, và tôi đang trở lại những cánh đồng
lúa trên đường đi Tây Ninh là nơi tôi đã ẩn núp. "Ông Mười!".
Tôi như nhìn thấy một con người ngoảnh đầu lại, ở giữa các cây lúa.
Tôi đi bộ trở về nhà và trên bậc cầu
thang những mụ già râm ran trò chuyện như những con chim trên bờ rào, tôi
chẳng hiểu nổi họ nói gì như tôi không hiểu tiếng chim kêu trên cành vậy.
Phượng không có ở nhà, chỉ có mấy chữ báo cho tôi biết cô đang ở nhà chị
của mình. Tôi nằm dài ra giường và thiếp ngủ. Khi tôi thức giấc, nhìn ra
chiếc đồng hồ báo thức thấy đã một giờ hai mươi lăm phút, quay đầu lại
những tưởng như Phượng ngủ cạnh tôi. Nhưng chiếc gối chưa có ai động
đến. Hôm đó chắc Phượng đã thay khăn trải giường, mùi vải mới giặt là
còn nguyên. Tôi đứng dậy, mở ngăn kéo nơi Phượng vẫn cất khăn choàng,
khăn không còn ở đó nữa. Tôi đi ra tận giá sách, cuốn sách tranh về cuộc
đời gia đình hoàng gia đã biến mất. Phượng đi đã mang theo gia sản của
cô.
Khi mới bị choáng váng, người ta ít
đau, cơn đau đến lúc ba giờ sáng, khi tôi suy nghĩ về cách xếp đặt lại
cuộc đời, cuộc đời mà theo cách này hay cách khác, tôi bắt buộc phải tiếp
tục sống, và khi tôi nghĩ cách xếp lại những kỷ niệm để quên đi, chưa rõ
quên bằng cách nào. Những kỷ niệm, êm ấm làm người ta đau khổ nhất, vì
thế lại tệ hại nhất, bởi vậy tôi gắng nhớ lại những kỷ niệm buồn. Tôi đã
quen với việc này. Tôi đã sống qua tất cả những cảnh ngộ này. Tôi hiểu
rằng tôi đủ sức làm những việc cần làm, dẫu đã già nua. Tôi cảm thấy còn
sức để xây dựng lại.
(Còn tiếp)