NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 43)
Tôi giao phó công việc dở dang vào tay
Domige và đi ra miền Bắc. ở Hải Phòng, tôi có nhiều người quen thân trong phi
đội Gasconer và tôi sống hàng giờ tại phòng bán rượu của sân bay, hay chơi
cầu trên con đường trải sỏi ngay trước mặt.
Nói theo cách chính thức thì tôi đang ra
tiền tuyến, tôi thi đua với Grand, nhưng báo của tôi cũng chẳng thêm được
bài nào, y như khi tôi thăm Phát Diệm báo cũng chẳng được bài nào. Tuy
nhiên, khi người ta viết về chiến tranh, thì lòng tự trọng cũng buộc người
ta đôi lúc cũng phải chia sẻ nổi gian nguy với người khác.
Gian nguy thật ra cũng khó chia sẻ, dù
trong những thời gian hạn chế, vì có lệnh từ Hà Nội ban xuống, cấm không cho
tôi được tham gia vào các phi vụ nào không phải là phi vụ "ngang"
bay trên tầm súng đại liên. Nhưng những phi vụ ngang cũng chẳng khác một
chuyến đi ôtô buýt, chỉ gặp khó khăn nguy hiểm khi xe hỏng máy hay người
lái lỗi lầm. Chúng tôi cất cánh theo giờ đã định, về nhà theo giờ đã
định: bom thả chênh chếch rơi, những cột khói uốn khúc bay lên, từ một ngã
tư hay một cây cầu rồi đúng giờ chúng tôi lại đi uống rượu khai vị hay
lăn những quả cầu thép tròn trên con đường rải sỏi.
Một buổi sáng, tôi đang uống Cognac với
Soda ở quán ăn sĩ quan trong thành phố với một sĩ quan trẻ, anh này ngày đêm
mơ ước được thăm cảnh con đê chắn sóng của một thành phố ở nước Anh,
thì lệnh chiến đấu tới, anh ta hỏi tôi có muốn đi không, tôi đồng ý. Dù
chỉ được dự một phi vụ ngang cũng là một cách giết thì giờ và giết cả
những suy nghĩ của tôi. Trên xe đi ra phi trường, anh ta nói:
- Lần này là một phi vụ "dọc".
- Tôi tưởng họ cấm tôi&
- Nhưng đừng có viết lách gì đấy. Tôi sẽ đưa anh đi xem, gần biên giới
Trung Hoa, một góc đất nước mà chắc anh chưa được thấy. Gần Lai Châu.
- Tôi nghĩ mọi việc đang yên ổn ở đó cơ mà?
- Trước thì yên. Hai ngày trước đây họ chiếm mất rồi. Lính dù đang tiến
lên, vài giờ nữa thì tới. Chúng tôi muốn quân Việt Minh phải chúi dưới hầm
hố cho tới khi chúng tôi lấy lại được đồn. Như thế có nghĩa là phải bổ
nhào và bắn. Chúng tôi chỉ có hai chiếc máy bay, một thì đang hoạt động.
Anh đã đi ném bom kiểu bổ nhào bao giờ chưa?
- Chưa bao giờ.
- Chưa quen thì cũng khó chịu đấy.
Phi đội gác Gasconer chỉ được trang bị bằng những máy bay ném bom kiểu
Maroder B26. Người Pháp gọi chúng là những "con đĩ" vì cánh chúng
tôi rất nhỏ, như không biết lấy cớ gì đỡ cho thân. Tôi ngồi co trên mẩu
ghế không lớn hơn chiếc yên xe đạp, đầu gối tì vào lưng người lái. Chúng
tôi dọc theo sông Hồng đi lên, từ từ lên cao và vào giờ này quả là con
sông mang mầu hồng. Tưởng như chúng tôi đã lùi ngược thời gian, như chúng
tôi đem con mắt nhà địa lý xưa ra khám phá, đặt cái tên cho con sông đúng
vào lúc mặt trời đang lặn, làm từ bờ này sang bờ kia, con sông tràn đầy
màu đỏ. Rồi ở độ cao ba nghìn mét, chúng tôi bay ngoặt sang phía sông Chảy,
nom thật là đen, đầy bóng tối, mặt trời không dọi tới, và cái cảnh hùng
vĩ của rừng rậm, núi cao, khe thẳm bỗng chao đảo và sừng sững dưới chúng
tôi. Người ta có thể mang cả một phi đoàn tới ném bom xuống khoảng bao la
màu xanh hay xám này mà không để lại dấu vết gì hơn là tung mấy đồng tiền
vào một ruộng lúa. Xa xa, trước mặt chúng tôi là một chiếc máy bay lượn
như một con mòng. Chúng tôi bay theo nó.
Lượn xong hai vòng bên trên tháp canh và ngôi làng có cây xanh bao bọc, chúng
tôi bay vọt lên trong ánh nắng chói chang. Viên phi công (tên là Truan) quay
đầu lại phía tôi, nháy mắt: bên trên tay lái là những cần điều khiển khẩu
súng máy và bộ phận thả bom. Khi ở vào tư thế sắp lao xuống, tôi cảm thấy
bụng thót lại như khi sắp bước vào một cuộc phiêu lưu mới: lần khiêu vũ
đầu tiên, bữa chiêu đãi trọng thể đầu tiên, mối tình đầu tiên. Tôi nhớ
lại khi dự hội chợ Wembly, chơi trò tụt dốc, khi lên đến đỉnh sắp tụt thì
không có cách nào thoát vì bị mắc vào bẫy của trò chơi. Tôi chỉ còn kịp
nom thấy kim chỉ ba ngàn mét ở cao kế, thế là bổ xuống. Mắt tôi không nhìn
thấy gì nữa, cả người chỉ còn là cảm giác. Tôi bị ép chặt vào lưng
người lái, một vật gì nặng ghê gớm như đè chặt vào lồng ngực tôi. Tôi
không rõ lúc nào là lúc bom rơi. Sau đó nghe thấy đại liên nổ, mùi thuốc
súng đầy khoang máy bay, và càng trở nên cao thì cái sức nặng càng giảm đi
trên lồng ngực tôi, bây giờ đến lượt cái dạ dày tụt ra, xoắn trôn ốc mà
rơi xuống như một người tự sát lao mình xuống đất. Trong bốn mươi giây,
Pyle không tồn tại, ngay nỗi cô đơn cũng không tồn tại. Trong khi lượn một
vòng rộng để lên cao, tôi nhìn qua cửa sổ bên, thấy khói đang bay lại phía
tôi. Trước lượt bổ nhào lần thứ hai, tôi hoảng sợ, sợ bị nhục, sợ nôn
mửa ra lưng người lái, sợ bộ phổi bị lão hóa của tôi không chịu nổi sức
ép của không khí. Rồi sau khi bổ nhào lần thứ mười, tôi lại chỉ cảm thấy
bực dọc: cuộc thí nghiệm kéo dài quá lâu, đã đến lúc về nhà. Rồi chúng
tôi lại vọt lên như một cây nến để tránh luồng đạn đại liên, chúng tôi
lại lượn một vòng thật lớn để đánh lạc hướng và cột khói cứ bốc coi.
Chung quanh làng đều là núi. Mỗi lần chúc xuống, chúng tôi chỉ có thể theo
một con đường, một lối đột phá duy nhất, không có đường khác. Khi bổ lần
thứ mười bốn, tôi nghĩ, lúc này hết sợ bị nhục - Nếu bên kia có một khẩu
đại bác phòng không thì& ". Một lần nữa, chúng tôi lại ngóc lên
cao, nơi an toàn, - Có lẽ họ không có đại bác. Bốn mươi phút lượn đối
với tôi như một thời gian vô tận, có điều là chúng đã làm cho tôi đỡ
khổ vì những nỗi ưu tư của riêng mình. Mặt trời đang lặn khi chúng tôi bay
về, thời gian của nhà địa lý đã qua rồi: Sông Ðà không còn đen nữa, còn
sông Hồng vẫn cho trôi những làn sóng vàng ối.
(Còn tiếp)