NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 48)
Cô ta
đứng lên, đặt trên bàn tiền mua kem. Trước khi rời quán, cô nhìn quanh một
vòng và những tấm gương phản ánh lại dưới tất cả góc độ nét mặt nhìn
nghiêng đầy tàn nhang của cô.
Trong phòng, ngoài tôi ra, chỉ còn lại
một bà nạ dòng người Pháp, mặc lôi thôi, đang hóa trang lại bộ mặt một
cách cẩn thận nhưng hoàn toàn vô ích. Hai cô Mỹ kia chỉ cần thoa một lớp
phấn mỏng, điểm qua chút son, đưa qua cái lược một lượt. Trong thoáng lát,
các cô nhìn tôi, đó không phải là một cái nhìn của người phụ nữ, mà là
cái nhìn của một người đàn ông, nhìn thẳng, chỉ lưỡng lự một giây trước
khi quyết định một việc gì. Rồi cô ta đột ngột quay sang phía cô bạn.
- Phải chuồn thôi - Cô ta nói.
Tôi lơ đãng nhìn theo hai cô sánh vai nhau đi ra ngoài đường đang nóng bỏng
dưới nắng. Không thể tin rằng một cô nào đó sẽ làm mồi cho một cuộc cuồng
si, không thể liên hệ hình ảnh các cô với cảnh chăn gối tơi bời, ướt đầm
mồ hôi sau một cuộc vật lộn trong yêu đương. Không biết khi đi ngủ, các cô
có mang theo thuốc chống hôi nách vào theo không? Trong một phút tôi thoáng
đâm ra thèm muốn cái thế giới vô trùng của họ, khác xa với thế giới nơi
tôi đang sống& Bỗng nhiên, không sao hiểu nổi, thế giới đó tan ra từng
mảnh. Hai trong số gương treo trên tường bay lại phía tôi và rơi xuống nửa
đường. Bà người Pháp ăn mặc lôi thôi ngã ngồi ra giữa đống bàn ghế bị
đổ gẫy. Hộp phấn của bà mở nắp sẵn, nguyên vẹn bay đến đỗ trên đầu gối
tôi, và lạ kỳ thay, tôi vẫn ngồi nguyên nơi cũ, tuy chiếc bàn của tôi bay
đến tận nơi bàn ghế đổ gẫy vây quanh bà. Một thứ tiếng lạ lùng, tiếng
nước máy chảy đều đều, vang lên đầy quán, ngoảnh nhìn trước quầy rượu,
tôi thấy hàng dẫy chai vỡ dốc hết rượu ra làm thành một dòng nước nhiều
màu, rượu Bordeaux đỏ, rượu Sartor màu xanh, rượu hồi màu vàng đục lênh
láng mặt đất. Bà người Pháp bình tĩnh và và thẳng lưng lên đưa mắt tìm
hộp phấn của bà. Tôi đưa bà hộp phấn và bà vẫn ngồi trên đất, cám ơn
tôi một cách trịnh trọng. Tôi thấy tiếng nói của bà rất nhỏ. Tiếng nổ quá
gần làm màng nhĩ tôi chưa hồi lại được như cũ.
Tôi bực bội nghĩ: lại một kiểu đùa nhả với chất nổ. Bây giờ tôi phải
viết thế nào đây để ông Heng được hài lòng? Nhưng khi đi đến phố Ganie,
nhìn thấy những đám khói nặng nề bốc lên, thì tôi hiểu lần này không phải
là một chuyện đùa nữa. Khói bốc ra từ những chiếc xe đang cháy dở tại bãi
chứa xe trước nhà hát quốc gia, những mảnh xe vỡ ngổn ngang khắp quảng
trường và một người cụt chân nằm cạnh bồn cây cảnh giật nẩy lên từng
cơn. ám đông xô lại từ phố Catina và đại lộ Bona. Tiếng cảnh binh,
xe cứu thương kéo chuông liên hồi, xe cứu hỏa dội vào đôi tai còn ù đặc
của tôi. Trong một lúc, tôi quên phứt rằng Phượng lúc này chắc đang ở hiệu
sữa phía bên kia quảng trường. Làn khói không cho tôi nhìn sang tới nơi đó
được.
Tôi tiến lại quảng trường, nhưng một cảnh binh ngăn lại. Cảnh binh đã lập
một hàng rao chặn các ngả vào để khỏi ùn người lại, và người ta đã nom
thấy những chiếc cáng chở người ra. Tôi van vỉ người cảnh binh cản đường:
- Cho tôi vào. Tôi có quen một người ở đó.
- Xin lùi ra - Hắn nói - ở đây ai cũng nói là có người quen.
Hắn né để một ông cố đạo vào, tôi định đi theo nhưng người cảnh binh
kéo tôi lại. Tôi nói: "Tôi đại diện cho báo chí", vừa nói vừa tìm
mãi chiếc ví đựng thẻ nhà báo, nhưng mãi không thấy hay là để quên ở
nhà?
- ít nhất ông cũng cho tôi biết cửa hiệu bán sữa có bị làm sao không? - Tôi
hỏi.
Khói đã tan dần, tôi cố nhìn xem, nhưng đám người dày đặc quá, người
cảnh binh nói điều gì tôi không nghe rõ.
- Ông bảo gì?
- Hắn nhắc lại:
- Không rõ. Xin lui ra. Ông cản lối những người khiêng cáng đấy.
Hay là tôi đánh rơi chiếc ví ở quán Pavillon? Quay lại phía quán để tìm,
tôi nom thấy Pyle. Anh ta gọi to:
- Thomas!
- Pyle, trời ơi, anh có giấy thông hành đặc biệt của lãnh sự quán không?
Phượng đang ở hiệu sữa.
- Không đâu! Không đâu - Hắn đáp.
- Có đấy, Pyle. Bao giờ cô ta cũng đi uống ở đó, lúc mười một giờ. Chúng
ta phải đi tìm cô ấy.
- Cô ấy không có ở đấy đâu, anh Thomas ạ.
- Sao anh biết? Thông hành của anh đâu?
- Tôi đã báo trước cho cô rằng không được đi đến đó.
Tôi quay lại phía người cảnh binh, định bụng xô anh ta sang một bên và chạy
bừa vào. Có lẽ anh ta sẽ nổ súng bắn tôi, nhưng mặc kệ. Bỗng câu "đã
báo trước" đập vào nhận thức của tôi. Tôi nắm tay Pyle nói:
- Báo trước à? Anh nói gì? Báo trước?
- Tôi đã bảo cô sáng nay không được đi tới đó.
Những mảnh rời của trò chơi chắp hình được xếp lại trong óc tôi. Tôi hỏi:
- Còn Waren? Waren là ai? Hắn cũng đã báo trước cho hai cô gái?
- Tôi không hiểu anh nói gì?
- à, ra không được để cho người Mỹ nào là nạn nhân phải không?
Một chiếc xe cứu thương từ phố Catina lách tới, người cảnh binh tránh ra cho
xe vào quảng trường. Còn người cảnh binh thứ hai đang mắc cãi cọ với ai
đó. Tôi đẩy Pyle đi trước, và chúng tôi vào được trước khi họ kịp cản
lại.
Chúng tôi đi giữa một đám đông buồn xỉu, cảnh binh ngăn được những
người ở chỗ khác xô tới, nhưng không xua đuổi được những người sống sót
và những người tới lúc đầu. Những thày thuốc bận rộn không có thể lo cho
những người đã chết, và những người đã chết cũng có thể là tài sản của
một ai đó, giống như một chiếc ghế là tài sản của anh vậy. Một người đàn
bà ngồi xệp trên mặt đất, để trên đùi mình phần còn lại của đứa con
nhỏ của bà, vì một sự giữ ý nào đó, bà còn lấy chiếc nón rộng vành của
nông dân đậy lên người nó. Bà ta ngồi không động đậy, không nói một
lời. iều đập mạnh vào trí óc tôi trên quảng trường này là sự im
lặng. Nó làm tôi nhớ tới một nhà thờ tôi vào giữa lúc làm lễ misa, chỉ
nghe tiếng những người đang làm lễ, trừ mấy người Âu lác đác thút thít
hay cầu nguyện, rồi lại rơi vào sự im lặng, y như những người đó hổ thẹn
trước sự khiêm nhường, nhẫn nại, chỉnh tề của những người châu á. Bên
rìa công viên, thân người cụt chân vẫn nẩy lên như một con gà bị chặt
đầu. oán theo chiếc áo đang mặc thì anh ta hẳn là một người kéo xe
tay.
- Ghê quá - Pyle nói (Hắn nhìn xem cái gì làm ướt đôi giầy hắn và hỏi một
cách ghê tởm) - Cái gì thế này?
- Máu đấy - Tôi đáp - Anh chưa nhìn thấy máu bao giờ à?
- Phải đưa đánh giầy trước khi vào gặp ngài bộ trưởng.
Tôi không tin rằng hắn hiểu hết ý nghĩa câu hắn vừa nó. Hắn chứng kiến lần
đầu một cuộc chiến tranh thực sự, khi một mình xuôi thuyền đi tới Phát
Diệm, hắn đã bị một giấc mơ của thời niên thiếu thúc đẩy, vả lại dưới
con mắt hắn, người lính sống hay chết có gì đang quan tâm.
- Anh xem - Tôi hỏi - Một thùng Diolacton đã có thể gây ra những điều gì, khi
người ta giao nó cho những kẻ không nên giao. (Tôi đặt tay vào vai hắn, bắt
hắn quay ra nhìn chung quanh). Giờ này đúng là lúc quảng trường đầy đàn
bà, trẻ em, giờ họ đi mua bán. Tại sao lại chọn đúng giờ này?
Hắn trả lời một cách thảm hại:
- Ðáng lẽ phải có một cuộc diễu binh.
- Và các anh định đánh trúng vài đại tá chứ gì? Nhưng Pyle ơi, hôm qua
người ta đã quyết tâm hoãn cuộc diễu binh rồi.
- Thế mà tôi không biết.
- Anh không biết ư? (Tôi đẩy hắn bước vào một vũng máu, nơi người ta vừa
khiêng một chiếc cáng đi). Anh cần nắm vững tin hơn.
- Hôm qua tôi không có mặt tại Sài Gòn - Hắn vừa nói, vừa cúi xuống đôi
giầy - Ðáng lẽ họ phải huỷ việc này đi.
- Huỷ để mất cái điều vui thích như thế này ư? Anh tưởng Tướng Thế bỏ
qua cơ hội này để chứng minh sự tồn tại của mình ư? Hiệu quả lớn hơn việc
đánh vào một cuộc diễu binh đấy. Trong thời chiến, việc đàn bà, trẻ con bị
chết gây tiếng vang lớn hơn lính tráng chết, báo chí sẽ làm ồn hơn. Việc
này sẽ làm dư luận thế giới hết sức chú trọng. Anh đã làm Tướng Thế nổi
bật lên đấy, xin cứ tin chắc là như thế, anh Pyle ạ. Anh hãy nhìn xem cái
lực lượng thứ ba và cái nền dân chủ quốc gia đang nhoe nhoét trên chiếc
giầy bên phải của anh kia. Ði mà kể cho cô Phượng nghe câu chuyện về những
người hy sinh anh dũng của anh. Kia kìa, mấy chục đồng bào của cô ta từ nay
không cần ai chăm lo cho họ nữa.
Một ông cố đạo nhỏ bé bụng phệ bước nhanh qua, tay bê một cái gì có khăn
phủ kín trên một cái khay. Pyle yên lặng một lúc và tôi cũng chẳng còn gì
để nói nữa. Thực ra tôi đã nói nhiều quá rồi. Anh ta tái xám mặt, người
như muốn sụp đổ, như sắp ngất, và tôi nghĩ, nói để làm gì nhỉ? Anh ta bao
giờ cũng sẽ ngây thơ như vậy. Người ta không thể lên án những kẻ ngây
thơ, họ không chịu tội với lương tâm họ. Tất cả những điều có thể làm
là theo dõi họ sát sao, hoặc là trừ khử họ đi. Ngây thơ là một sự điên
rồ.
- Tướng Thế không bao giờ làm việc này đâu! - Hắn nói, tôi tin chắc rằng
ông ta không bao giờ làm. Hẳn có kẻ nào làm, ông không rõ. Bọn cộng sản.
Thiện chí và sự ngu dốt của Pyle đã là một áo giáp không thể xuyên thủng
nổi. Tôi để mặc hắn đứng đó và đi ngược phố Catina lên tới chỗ có một
ngôi nhà thờ lớn màu hồng xấu ghê gớm sừng sững chắn ngang. Tín đồ đã
lớp lớp đổ vào đó, chắc là họ tìm cách làm vững lòng mình bằng cách cầu
người chết phù hộ cho những người vừa bị chết.
Khác với những người đó, tôi lại có lý do đầy đủ để mang ơn, vì lẽ
Phượng còn sống. Phượng đã chẳng được "báo trước" rồi sao?
Nhưng tôi lại nhớ tới cái thân người ở vườn hoa, cái đứa nhỏ trên đùi
mẹ. Họ không được báo trước vì họ không phải là những người quan trọng.
Và nếu cuộc diễu binh cứ tiến hành thì họ vẫn cứ có mặt ở đó, vì tò mò,
để xem những người lính, để nghe những bài diễn văn, để tung những bông
hoa. Một quả bom cỡ hai trăm bảng Anh không biết lựa chọn mục tiêu. Bao nhiêu
đại tá chết để biện bạch cho việc giết một em bé, một phu xe, khi người ta
đang còn mải xây dựng một mặt trận quốc gia dân chủ? Tôi gọi một chiếc xe
xích lô gắn máy để chở đến cảng Mỹ Tho.
(Còn tiếp)