NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 53)
Và
nếu chẳng may tôi đâm vào một người khốn khổ/Tôi có đủ tiền để bồi
dưỡng dù đắt thế nào.
Là kẻ có tiền thật vui thay - A ha !
Là kẻ có tiền thật vui thay! .
- Thơ gì mà lạ thế? - Pyle nói với một giọng không tán thưởng
- Ðây là thơ của một tác giả thế kỷ XIX, một nhà thơ đã trưởng thành.
Không có lắm người như ông ta đâu.
Tôi nhìn xuống đường. Người lái xe đã đi rồi.
- Anh có gì để uống không? - Pyle hỏi.
- Có, nhưng tôi tưởng...
- Có lẽ tôi bắt đầu tự buông lỏng mình. ảnh hưởng của anh đấy. Tôi tin
rằng anh đã làm tôi khôn hơn lên.
Tôi đi lấy chai rượu và cốc. Lần đầu quên một cốc, sau lại phải đi một
lần nữa vì quên nước trắng. Hôm nay tôi làm cái gì cũng mất nhiều thì
giờ.
- Anh biết đấy, - Pyle nói, - bố mẹ tôi là những người cừ khôi; nhưng hai
cụ đều có xu hướng sống nghiêm nghị. Chúng tôi ở tại một ngôi nhà cũ kỹ
ở phố Chenus phía bên phải, lên dốc một chút. Mẹ tôi sưu tập những đồ pha
lê cổ, và cha tôi, khi không ngụp vào việc nghiên cứu vấn đề xói mòn, thì
đi vét hết những cuốn sách chép tay về những tác phẩm Darwin in lần thứ nhất
mà cụ phát hiện ra được. Như anh xem, các cụ sống với quá khứ. Có lẽ vì
vậy mà York có ảnh hưởng lớn đối với tôi. Ông ta thích ứng với những
điều kiện sống hiện đại. Cha tôi thì theo chủ nghĩa biệt lập.
- Chắc là tôi hợp với cụ: tôi cũng là người theo chủ nghĩa biệt lập.
Vốn là người trầm lặng, hôm nay Pyle lại nói quá nhiều. Tôi cố tự nhủ rằng
ông Heng đang sẽ có phép thuyết phục hắn khác với một hành động thô bạo
và tất yếu... Nhưng trong một cuộc chiến tranh như cuộc chiến ở đây, tôi
hiểu người ta không có thì giờ cân nhắc: người ta tiện võ khí gì thì dùng
võ khí đó, người Pháp có bom napal, ông Heng có đạn súng ngắn hoặc con dao
găm. Tôi tự bảo, nhưng hơi muộn, rằng tôi không đủ tư cách để đứng ra
làm quan toà. Tôi để cho Pailơ nói một lúc rồi tôi sẽ bảo hắn đề phòng.
Hắn có thể ngủ đêm tại đây. Họ không dám xộc vào nhà tôi. Lúc này hình
như hắn đang nói về người vú nuôi của mình...
- ... Bà nhũ mẫu của tôi đóng một vai trò quan trọng hơn mẹ tôi trong cuộc
đời của tôi, và sao bà biết làm những chiếc bánh kem mứt ngon đến thế!
Tôi ngắt lời hắn:
- Anh có khẩu súng ngắn nào mang theo người không kể từ cái đêm đáng ghi
nhớ đó?
- Không. Quy định của toà lãnh sự...
- Nhưng anh là người có công tác đặc biệt.
- Có súng cũng chẳng được việc gì. Nếu họ định hạ tôi thì chẳng có gì
cản được họ. Vả lại, tôi cận thị như một con chồn. ở trường trung học,
người ta gọi tôi là Con dơi vì trong đêm tối tôi rất tinh mắt hơn người
khác. Một hôm chúng tôi đùa như quỷ sứ...
Hắn lại thao thao bất tuyệt. Tôi quay ra cửa sổ.
Có một chiếc xe xích lô gắn máy đang chờ. Chắc hẳn là một người lái xe
khác lúc nãy - tuy tôi không tin hẳn, vì họ giống nhau quá đỗi. Biết đâu
người lái đó không thật sự chờ một vị khách. Tôi lại bỗng có ý nghĩ
rằng nơi an toàn nhất cho Pyle là Toà Lãnh sự. Từ lúc nhận được ám hiệu
của tôi, chắc họ đã chuẩn bị đầy đủ để đêm nay hành động. Cầu Ða Kao
hẳn có một vai trò gì đó trong dự định của họ, tôi không hiểu tại sao,
hoặc như thế nào mà Pyle lại không điên rồ cả gan qua sông sau khi mặt trời
lặn và bên đầu cầu phía này, có công an võ trang gác hẳn hoi.
- Tôi nói hết cả lời của hai người, - Pyle bảo. - Tôi không hiểu tại sao,
nhưng chiều nay...
- Xin đừng ngại, - tôi nói, - Tôi là người ít nói, thế thôi. Có lẽ tối nay
bỏ bữa cơm chăng...
- Chớ, xin chớ bỏ. Tôi cảm thấy xa anh kể từ khi...trời...
- Kể từ khi anh cứu tôi, - tôi nói tiếp hộ anh, nhưng không giấu nổi sự đau
nhói của vết thương mà tôi tự gây cho tôi.
- Không, tôi không muốn nói đến điều đó. Nhưng dù sao chúng ta đã nói
được không biết bao nhiêu chuyện trong cái đêm kỳ lạ đó! Y như là chúng
ta đang sống những giờ khắc cuối cùng của mình trên dương thế vậy. Qua đó
tôi hiểu nhiều điều về anh, anh Thomas ạ. Cứ cho là tôi có nhiều điểm bất
đồng tư tưởng với anh, tốt hơn hết là không nên đứng về một phía nào.
Anh chịu đựng giỏi đấy, ngay khi đã gẫy chân phải, anh vẫn có thái độ
trung lập.
- Bao giờ cũng sẽ tới lúc người ta đổi thay, lúc người ta bị xúc động...
- Anh chưa đến lúc đó đâu. Tôi không tin rằng anh sẽ đến cái lúc đó. Và
tôi cũng tin rằng không có gì làm cho tôi thay đổi được...trừ khi chết, -
hắn nói tiếp một cách vui vẻ, nhẹ nhõm.
- Ngay cả khi anh đã được chứng kiến cái cảnh sáng hôm nay? Cảnh đó không
có điều gì có thể làm anh thay đổi thái độ ư?
- Họ chẳng qua chỉ là những nạn nhân của chiến tranh, - hắn đáp. -
áng buồn thật đấy, nhưng khi bắn nhau có phải lúc nào cũng bắn
trúng đích đâu. Dù sao đó cũng là những người chết cho chính nghĩa.
- Nếu chính bà vú nuôi khéo làm bánh kem mứt của anh bị chết như vậy thì
anh nói sao?
Hắn chẳng cần đếm xỉa đến cái lập luận có vẻ rẻ tiền của tôi.
- Xét về một mặt nào đó, có thể nói là họ đã chết cho nền Dân chủ. -
hắn nói.
- Tôi không sao dịch nổi ý anh ra tiếng Việt được.
Bỗng dưng tôi thấy mình hết sức mệt mỏi. Tôi mong hắn đi đâm đầu vào chỗ
chết cho rảnh. Sau đó tôi lại có thể tìm lại cuộc sống như ở quãng đời
tôi trước khi hắn sang đây.
- Hình như anh chưa bao giờ cho tôi là người đúng đắn, anh Thomas, (Hắn phàn
nàn như thế, kèm với một tiếng cười rất học sinh trung học mà hình như hắn
đã găm lại để dành cho cái đêm nay). Thomas này, Phượng đã đi xem chiếu
bóng. Nếu chúng ta thức suốt đêm với nhau? Tôi chẳng bận việc gì cả. (Hình
như từ một nơi xa xôi nào đó bên ngoài, có ai mớm lời cho hắn, khiến tôi
không còn đường rút lui). Tại sao không lại quán Sale nhỉ? Từ cái đêm
đáng ghi nhớ đó, tôi chưa hề trở lại đấy. ở đó ăn cũng ngon chẳng kém
Cối xay cổ, mà lại thêm âm nhạc.
- Tôi không muốn nhớ lại cái đêm đó.
- Xin lỗi. Lắm lúc tôi thật là ngốc, anh Thomas ạ. Nhưng đi chén cơm Tàu ở
Chợ Lớn thì sao?
- Muốn ăn ngon ở đó thì phải đặt trước. Anh sợ quán Cối xay cổ hay sao,
Pailơ? ở đó có lưới sắt bảo vệ, và bao giờ cũng có cảnh sát gác trên
cầu. Và tôi hy vọng rằng anh sẽ không điên rồ gì mà đi qua cầu.
- ồ, không phải như thế. Tôi chỉ nghĩ rằng ở với nhau suốt một đêm thì
thú biết mấy.
Hắn giơ tay và chạm vào cái cốc khiến nó rơi xuống đất vỡ tan.
- Ðiềm lành, - hắn nói không suy nghĩ. - Xin lỗi anh Thomas.
Tôi cúi nhặt những mảnh cốc vỡ và để vào trong cái đựng tàn thuốc lá.
- Anh nghĩ sao, anh Thomas?
Tiếng thuỷ tinh vỡ lại làm tôi nhớ lại tiếng những chiếc chai ở tiệm Pavillon
trút hết rượu ra sàn.
- Tôi đã báo trước với Phượng rằng đêm nay chắc tôi đi chơi với anh.
Sao mà chữ "báo trước" được lặp lại lúc này khó nghe thế. Tôi
nhặt mảnh thuỷ tinh cuối cùng.
- Tôi đã có một cuộc hẹn ở rạp Magestic, - tôi đáp, - và đến chín rưỡi
tôi mới được rảnh.
- Thế cũng được. Nếu vậy tôi sẽ trở lại phòng làm việc. Nhưng tôi chỉ
luôn sợ rằng họ sẽ tìm được một việc cỏ vê giao cho tôi.
Tại sao không để cho hắn ta được hưởng cái số may đó nhỉ ?
- Có đến chậm một chút cũng đừng ngại nhé, - tôi nói. - Nếu bị cột vào
bàn giấy thì sau đó anh cứ về nhà tôi. Tôi về nhà vào mười giờ để chờ
anh, nếu anh không tới ăn cơm được.
- Tôi sẽ báo cho anh...
- Khỏi phiền. Hoặc anh lại Cối xay cổ, hoặc tới nhà tôi.
Tôi giao số phận Pyle vào tay cái đấng mà tôi vốn không tin: nếu muốn can
thiệp vào đây thì mời ông Trời cứ can thiệp, - một bức điện để trên bàn
giấy, một mệnh lệnh của Bộ trưởng. Nếu Trời không có đủ quyền lực để
làm thay đổi tương lai, thì quả thật làm gì có Trời.
- Pyle, bây giờ anh đi đi, tôi bận.
Nghe bước chân hắn đi xa, cùng với tiếng chân con chó chạy theo, tôi cảm
thấy mệt như đến kiệt sức.
(Còn tiếp)