NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 7)
Chiến
trường khi nhìn từ gác chuông nhà thờ xuống chỉ thấy vẻ ngoạn mục, bất
động như một bức tranh toàn cảnh vẽ cuộc chiến tranh của người Boe trong một
tờ báo tin ảnh London cũ. Một máy bay thả dù tiếp tế lương thực cho một
đồn bị cô lập giữa vùng núi đá vôi, những ngọn núi kỳ lạ nơi biên giới.
Trung Bộ, bị nắng mưa đục khoét, trông như những bọt đá chồng lên nhau và
khi chiếc máy bay lộn lại lượn trên chỗ cũ, ta có cảm giác như nó đứng
nguyên tại chỗ lơ lửng giữa đất với trời. Từ đồng bằng vọng lên tiếng
súng cối, khói của đạn pháo thành những cụm đứng yên nom như những khối
đá chắc nịch, trong khi khu chợ vẫn cháy, ngọn lửa như tôi đi dưới mặt
trời. Hình bóng nhỏ xíu của những lính dù tiến hàng một dọc theo những con
sông đào, từ trên cao nhìn xuống, cũng như đứng yên tại chỗ. Ngay vị linh
mục đang đọc kinh ở một góc tháp cũng không hề thay đổi lối ngồi. Từ xa
nhìn vào, chiến tranh thật sạch sẽ và được sắp xếp có ngăn nắp từng ly
từng tý.
Tôi từ Nam Ðịnh tới lúc trước rạng
đông bằng một tàu đổ bộ. Chúng tôi không thể cập bến ở căn cứ thuỷ quân
vì vướng quân địch, họ cô lập hoàn toàn thị trấn theo một đường bán
kính 600 m, bởi vậy chiếc tàu phải cập vào cạnh khu chợ đang bốc cháy. Dưới
ánh lửa, chúng tôi quả đã là một cái đích ngon ăn, nhưng không rõ vì một
lẽ bí ẩn nào đó, không có viên đạn nào bắn tới cả. Mọi vật đều im
lặng, chỉ trừ những quầy hàng cháy kêu răng rắc và đổ ụp xuống một cách
nặng nề. Tôi nghe tiếng đổi chân của một người lính Senegal gác ở bờ sông.
Tôi rất quen thuộc Phát Diệm những ngày
trước khi có cuộc tấn công: cái đường phố độc nhất dài và hẹp, hai bên
là những quán hàng bằng gỗ, cứ 100 m lại có một con lạch cắt ngang, một nhà
thờ và một cây cầu. Tối đến chỉ có nến hay đèn dầu nhỏ (Phát Diệm không
có điện trừ nơi sĩ quan Pháp ở) và đêm cũng như ngày, người ta sống ồn
ào, đông lúc nhúc. Theo một kiểu Trung cổ kỳ lạ, dưới bóng và sự che chở
của ông Hoàng Giám mục, đó là thị trấn sống động nhất của cả nước,
nhưng ngày hôm đó, khi đổ bộ và đi về khu sĩ quan, tôi lại thấy đó là
một thị trấn chết. Gạch vụn, mảnh kính, mùi sơn và vữa cháy, con đường
phố dài không bóng làm tôi nhớ lại một đại lộ của London, vào buổi sáng
sớm, khi có chuông báo an, người ta như chờ để thấy một cái biển báo:
"Có bom chưa nổ!".
Bề mặt của ngôi nhà sĩ quan bị một quả
bom làm bay đi và bên kia phố, nhà cửa đều đổ nát. Khi đi cùng tôi từ
thành phố Nam Ðịnh xuống đây, trung uý Pero đã cho tôi biết điều gì đã
xảy ra. Ðó là một người còn trẻ nghiêm trang, hội viên Hội Tam điểm và
tất cả những điều đó bị coi như là một tai vạ đối với sự mê tín của
đồng loại. Vị giám mục Phát Diệm đã sang Âu châu và mang về dòng Ðức Mẹ
Phatima: Dòng lập ra do Ðức Mẹ Ðồng trinh, mà người theo đạo Thiên Chúa tin
là đã xuất hiện trước một đám nhi đồng ở Bồ Ðào Nha. Ðến lượt mình
Giám mục đã cho xây một cái động thờ Ðức Phatima trong khu vực nhà thờ và
hàng năm, người ta tổ chức lễ rước Ðức mẹ. Quan hệ giữa ông ta và viên
đại tá chỉ huy quân Pháp - Việt trở nên căng thẳng khi các nhà đương chức
đã giải tán đội vệ binh của Giám mục. Năm nay, viên đại tá là người có
đôi chút thiện cảm với giám mục vì cả hai đều đặt tổ quốc của họ cao
hơn đạo - đã có một cử chỉ thân thiện và đi hàng đầu trong đám rước
cùng với những phụ tá cao cấp. Chưa bao giờ từng có một số người đông như
vậy đã tập trung ở Phát Diệm để rước thành Phatima. Cả đến những người
theo đạo Phật, họ chiếm non nửa số dân ở đây cũng không thể thờ ơ với
cảnh tưng bừng đó, và những người chẳng lương cũng chẳng giáo, cũng đinh
ninh rằng theo một lẽ bí hiểm, tất cả những lá cờ, bình hương, bình bánh
thánh bằng vàng đó có thể đẩy lui chiến sự ra xa gia đình họ. Tất cả
những cái gì còn sót lại của đạo vệ binh của Giám mục, đội kèn đồng dẫn
lộ cho đám rước và những sĩ quan Pháp, đầy vẻ mộ đạo theo lệnh của đại
tá, đi tiếp theo như những lễ sinh. Ðám rước qua cửa lớn vào trong sân diễu
qua bức tượng Thánh Tâm màu trắng dựng trên một hòn đảo giữa cái hồ nhỏ
phía trước nhà thờ, dưới tháp chuông có đôi cánh cong theo kiểu á châu,
rồi vào trong cái nhà thờ kiểu kỳ lạ làm bằng gỗ chạm, với những chiếc cột
cái nguyên cả cây gỗ cùng với bàn thờ Chúa sơn son rực rỡ (nom giống bàn
thờ Phật hơn là bàn thờ Chúa. Người ta ùn ùn kéo về Phát Diệm, từ tất cả
các làng cách nhau bởi những con sông đào, từ cánh đồng thấp như đồng
nước Hà Lan, chỉ khác ở chỗ những cây mạ xanh hay những vạt lúa chín vàng
óng đã thay cho những cây hoa tuy-líp và những nhà thờ thay cho các cối xay
gió.
Không ai để ý đến những người của
Việt Minh đã trà trộn vào đám rước, đến tiểu đoàn quân chủ lực của
cộng sản vượt qua các đèo của dãy núi đã vôi đột nhập vào đồng bằng,
dưới mắt của những tốp quân Pháp bất lực gác ở các đồn tiền tiêu đặt
trên núi. Ðêm hôm đó, lính trinh sát của Việt Minh đã đánh vào Phát
Diệm.
Sau bốn ngày đánh nhau, nhờ có lính dù
giúp sức, quân địch chỉ bị đẩy ra xa non một cây số và đang bao vây thị
trấn. Ðó là một chiến bại mà những nhà báo không được phép nói tới,
không một bức điện nào được đánh đi, vì báo chí chỉ được đăng tin
chiến thắng. Những nhà cầm quyền chắc đã cản không cho rời Hà Nội, nếu họ
biết ý đồ của tôi, nhưng người ta càng đi xa đại bản doanh thì sự kiểm
soát càng lỏng lẻo và khi tới tầm súng địch, người ta sẽ được đón nồng
nhiệt. Ðiều đe doạ đối với Bộ Tổng Tham mưu ở Hà Nội và là sự phiền hà
cho viên chỉ huy khu vực Nam Ðịnh, đối với viên thiếu uý đang lâm trận lại
là một câu chuyện vui, một sự giải trí, một bằng chứng về sự quan tâm của
thế giới bên ngoài, nhờ có nó mà trong vài ba giờ quý báu, ông ta có thể
ít nhiều quan trọng hoá vai trò của mình và dọi một ánh sáng anh hùng giả
tạo vào những người bị thương vong của ông.
Vị linh mục gấp cuốn sách kinh lại và
nói: "Thế, xong rồi". Ông là người Âu, nhưng không phải là người
Pháp, vị Giám mục không đời nào chịu để có một linh mục Pháp trong địa
phận của mình. Linh mục nói thêm như để tạ lỗi:
- Xin hiểu cho là tôi phải leo lên đây
để được yên thân một chút và không bị quấy bởi những con người khốn khổ
kia.
Tiếng súng cối hình như gần lại, hoặc
bây giờ phía địch mới chịu trả lời. Ðiều khó khăn kỳ lạ là tìm ra địch:
Có mười hai mặt trận nhỏ hẹp và không biết bao nhiêu là chỗ địch có thể
phục kích giữa những con lạch, những trang trại và cánh đồng.
Thẳng ngay phía dưới chúng tôi là toàn
bộ dân Phát Diệm, đứng, ngồi, nằm: lương, giáo, vô thần, họ đã gói ghém
những của cải quý báu nhất của họ - cái bếp, cái đèn, cái giường, cái
tủ, vài chiếc chiếu, một bức tranh thánh - và vào trú trong địa phận Nhà
Chung. Ðêm xuống trời miền Bắc rét căm căm, nhà thờ đã chật ních người,
không có nơi trú ẩn nữa, ngay trên cầu thang đi lên gác treo chuông, tất của
các bậc đều có người. Trong khi đó người ta vẫn réo tới các cửa và bước
vào, mang theo những đứa con nhỏ và đồ đạc. Họ tin rằng dù theo bất kỳ
đạo giáo nào, ở đây họ sẽ được an toàn. Trong khi chúng tôi đang nhìn
cảnh tượng đó, một người trẻ tuổi mặc quân phục Việt và mang theo súng
lách vào. Một linh mục ngăn anh ta lại và lấy đi khẩu súng. Linh mục đứng
cạnh tôi nói, như để giải thích:
- Chúng tôi trung lập. Ðây là đất của
Chúa.
Tôi suy nghĩ: Chúa có trên mảnh đất
của Người một số dân sợ sệt, đói rét, khốn khổ đến kỳ lạ vậy thay! Một
tu sĩ đã nói với tôi: "Không biết lấy gì để nuôi sống tất cả bao
nhiêu người này". Người ta tưởng rằng một vị vương giả phải làm
nhiệm vụ trọn vẹn hơn là thế này. Nhưng tôi lại nghĩ, đi tới đâu người
ta cũng gặp cảnh tương tự: không phải những ông vua hùng mạnh nhất có thể
làm cho dân mình sung sướng nhất.
Dưới sân, những mẹt hàng đã được
bày ra.
- Trông như một phiên chợ khổng lồ -
tôi nói - Nhưng không tìm ra được một vẻ mặt tươi cười.
- Ðêm qua họ bị rét đến chết - linh
mục nói - Chúng tôi đã phải đóng hết cửa tu viện lại, sợ họ ồ vào.
- Trong tu viện chắc ấm lắm?, tôi hỏi.
- Chắc ấm lắm. Nhưng chúng tôi không
đủ chỗ để chừa được một phần mười số người hiện có. Phải - ông ta nói
tiếp - Tôi hiểu ông định nói gì. Nhưng cũng cần để cho dăm ba người trong
chúng tôi còn được khoẻ mạnh. ở Phát Diệm chỉ có một bệnh viện mà y tá
đều là những cô nữ tu cả.
- Còn người làm phẫu thuật?
- Không, tôi tới để tìm phương hướng
đi tiếp.
- Tôi hỏi như vậy vì hôm qua có một
người lên tận đây. Ông ta xin xưng tội. Những điều nhìn thấy dọc con sông
đào đã làm ông ta sợ hãi. Chúng ta cũng chẳng nên trách ông ta.
- Tình hình chỗ đó có gì không hay?
- Quân dù đã dồn địch vào giữa hai
lưới đạn. Những người đáng thương! Tôi tin rằng ông cũng có cảm giác
đó.
- Tôi không phải là người thực hành
đạo Thiên Chúa. Tôi cũng không tin rằng ông có thể coi tôi là người tin ở
Chúa.
- Sự sợ hãi đã gây ra tác động kỳ lạ
với con người.
- Ðối với tôi, nó lại khác. Dù tôi có
thể mơ hồ tin ở một Ðức Chúa nào đó, tôi vẫn sẽ không thể thích xưng
tội. Quỳ xuống trong một ngăn giống như một cái hộp. Tự lột trần truồng
mình ra trước một con người khác! Xin Cha thứ lỗi cho, tôi thấy việc đó có
vẻ yếu đuối& một sự thiếu dũng khí.
Ông linh mục nói bằng một giọng nhẹ
nhàng: Tôi chắc ông là một người lương thiện và chẳng bao giờ làm điều
gì đáng hối hận.
Tôi đưa mắt nhìn những nhà thờ xếp
hàng ra tận biển cách đều đặn dọc những con sông đào. Một tia lửa loé ra
từ tháp chuông thứ hai.
- Các nhà thờ của các ông cũng không
phải là trung lập cả, như ông nói.
- Chúng tôi biết làm thế nào được -
linh mục đáp - Người Pháp chỉ chấp nhận là không vượt qua hàng rào của
Nhà thờ Lớn thôi. Chúng tôi không thể đòi hỏi hơn được. Nơi ông đang
nhìn là một đồn của quân lê dương.
- Tôi phải đi đây. Xin chào Cha.
- Xin chào và chúc ông may mắn, ông hãy
đề phòng những tay súng lẻ đấy.
(Còn tiếp)