|
78.
Lễ ba ngày (lễ tế ngu) tính từ sau khi mất hay sau khi chôn cất?
Tục này không thống nhất, có nơi tính ba ngày sau khi
mất, có nơi tính ba ngày sau khi chôn. Xét trong điển lễ thì không có
"lễ ba ngày" mà chỉ có "lễ tế ngu" gồm có "sơ
ngu", "tái ngu", "tam ngu". "ngu" nghĩa là
"yên", tức là ba lần tế lễ cho yên hồn phách, theo "Thọ mai gia
lễ" thì khi chôn xong, rước linh vị về đến nhà tế sơ ngu. Làm sơ ngu
xong gặp ngày nhu, (tức là ất, kỷ , tân, quí) làm lế tái ngu, gặp ngày
cương (tức là ngày giáp, bính, mậu, canh, nhâm) làm lễ tam ngu. Phan Kế Bính
cũng dẫn giải như trên.
Dần dần về sau người ta giảm lược, kiêm cả ba lễ luôn,
chỉ làm lễ tam ngu, vì thế nên gọi là lễ ba ngày. Vậy là tính ba ngày từ
sau khi chôn, theo tục gọi là lễ mở cửa mả. Ngày đó con cháu ra sửa lại mồ
mả, đắp cỏ, khơi rãnh thoát nước... Ngu là tế ngu, tế chỉ tế người chết,
tế thần. Theo phong tục cũ thì ít khi chết xong chôn ngay, thường còn để năm
bảy ngày trong nhà. Khi chưa chôn làm lễ triêu tịch điện, tức cúng cơm hàng
ngày vẫn theo lễ thờ người sống. Vậy tế ngu phải tính từ sau khi chôn.
Còn có một lập luận khác: Có ba điều không yên khiến
phải làm lễ tế ngu:
-Đang sống hoạt động nay mọi hoạt động bỗng nhiên
đình chỉ.
-Đang nhìn thấy bóng dáng, khi đã nhập quan không nhìn
thấy bóng dáng nữa.
-Đang ở trên dương thế, nay xác về cõi âm, hồn vất
vưởng lìa khỏi xác. Âm dương hoàn toàn cách biệt từ sau lễ thành phần. Sơ
ngu, tái ngu, tam ngu là tế để làm cho yên hồn phách, vậy phải tế sau khi
mất, sau khi lễ nhập quan và sau khi lễ thành phần xong.
Thời này cũng có trường hợp sau khi chết 4-5 ngày còn
để trong nhà lạnh chưa chôn nên không thể làm lễ ba ngày trước lễ an táng. |