|
85.
Hình nhân thế mạng là gì?
ở nước ta chưa có "Tục
tuẫn táng" nhưng đời trước có tục đốt hình nhân thế mạng, vốn xuất
xứ từ tục tuẫn táng, nhân đạo hơn so với tuẫn táng.
Để vua chúa xuống dưới âm cung có người hầu hạ, tục
ta không chôn người sống mà dùng hình nộm làm bằng tre nứa, quấn bằng rơm
rạ hoặc nhào nặn bằng đất sét, ngoài dán giấy làm quần áo rồi vẽ mặt
mũi, sau đó khi tế lễ xong thì đốt hình nhân đó cùng với vàng mã. Nếu lễ
thuỷ thần, long vương, hà bá thì làm thuyền bằng giấy kết trên thân cây
chuối rồi đặt hình nhân vào thuyền và thả trôi sông. Có người nghe theo
lời bói toán nhảm nhí sắp đến vận hạn bị hung thần quỷ dữ bắt, phải nhờ
thầy cúng làm lễ, đốt hình nhân thế mạng. Có người vì mối tư thù nhưng
yếu thế không trả thù được bèn nghĩ cách làm hình nhân rồi đề tên họ,
huý, hiệu của kẻ thù vào trước ngực hình nhân, cắm ở ngã ba, ngã tư
đường cái, thắp hương cắm lên đầu hình nhân để nhờ thần linh bắt tội
người đó.
Đây là một tập tục chứa đầy tính chất mê tín, dị
đoan đã bị đả phá, bãi bỏ từ đầu thế kỷ. Chính quyền phong kiến đã ra
lệnh cấm hủ tục này. Kẻ nào cố tình vi phạm, nếu phát hiện được sẽ bị
phạt nặng. Địa phương nào để những tục đó xảy ra, nếu phát hiện được
thì lý trưởng nơi đó bị cách chức. Thế mà ngaỳ nay, chúng tôi thấy hủ
tục này lại có cơ phát triển, cho nên việc bài trừ hủ tục nhảm nhí này là
cần thiết, phù hợp với việc xây dựng nền văn hoá mới. |