Scroll To Top

Năm học 2016-2017:Vì tiềm năng lớn nhất của đất nước là nhân lực - nhân tài

Đăng lúc: Thứ tư - 17/08/2016 12:39 |  Tin giáo dục | : Phạm Văn Phương | Đã xem: 1388 |   0

Năm học 2016-2017:Vì tiềm năng lớn nhất của đất nước là nhân lực - nhân tài

Trước thềm Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2016-2017 của toàn Ngành, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ cái nhìn toàn cảnh về kết quả GD-ĐT trong năm học vừa qua; chỉ rõ những hạn chế, lý giải nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm sâu sắc để từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp triển khai cụ thể trong năm học mới.
bt 9 04082016


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng nhận nhiệm vụ mới khi chỉ còn hơn 1 tháng là kết thúc năm học 2015-2016, thời điểm có thể nói mọi kết quả của năm học đã được định hình. Ở vị trí khách quan như vậy, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua?

- Năm học 2015-2016, với sự quan tâm của Đảng, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các ban, bộ, ngành, các tỉnh/thành phố; sự ủng hộ, chia sẻ của nhân dân; đặc biệt, là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục các cấp,có thể nói, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Việc đổi mới hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá có chuyển biến tích cực. Theo đó, mô hình dạy học được đổi mới theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Việc triển khai đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người họcbước đầu có kết quả tốt.

Công tác quản lý có nhiều đổi mới, các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường. Ngành Giáo dục đã tiếp tục đổi mới quản lý theo hướng tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương và giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, tập trung quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục. Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục được chú trọng. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố, chuẩn hóa và hiện đại. Các nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục được đa dạng, nhất là các nguồn lực của tư nhân, quốc tế.

Chất lượng GD-ĐT có chuyển biến tích cực. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cơ bản hoàn thành; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non được nâng lên rõ rệt. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng phổ cập giáo dục THCS được duy trì; chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông được nâng lên. Giáo dục đại học từng bước nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế.

Giáo dục vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục hòa nhập được quan tâm, bảo đảm công bằng xã hội. Công tác xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đạt kết quả tốt.

Thưa Bộ trưởng, những kết quả đạt được của Ngành trong năm học vừa qua phần nào đã được xã hội chia sẻ, ghi nhận.Nhưng chúng ta không thể không nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém?

- Bên cạnh kết quả đạt được, trong năm học vừa qua, ngành Giáo dục cũng còn những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục. Trong đó, việc quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân chậm được điều chỉnh và chưa được quan tâm đúng mức, chưa trở thành cơ sở quan trọng cho công tác quản lý và điều hành, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí nguồn lực. Công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa hiệu quả, chưa sát với nhu cầu sử dụng. Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt, chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Phương pháp và các điều kiện dạy - học ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo được môi trường giao tiếp ngoại ngữ cho học sinh. Việc ứng dụng CNTT để đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học và nâng cao hiệu quả quản lý còn hạn chế.

Việc giao quyền tự chủ, đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục đại học mới chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính, trong khi các khía cạnh khác như năng lực tự chủ về học thuật, tổ chức và nhân sự chưa được quan tâm đầy đủ. Hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế không đồng đều giữa các địa phương và các cơ sở giáo dục, chủ yếu mới tập trung ở các thành phố lớn; vấn đề quản lý hợp tác quốc tế và sử dụng nguồn lực từ hợp tác quốc tế còn bị động, phân tán, thiếu cơ chế điều phối hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số địa phương còn thiếu thốn, xuống cấp. Chất lượng giáo dục còn hạn chế, nhất là ở bậc đại học, chưa thực sự tạo thành động lực để phát triển kinh tế cho đất nước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hạn chế này. Trong đó, thiếu tư duy đổi mới và quyết tâm hành động là nguyên nhân quan trọng nhất. Đơn cử, hạn chế trong ứng dụng CNTT có thể lý giải từ nhận thức của lãnh đạo về vai trò của CNTT ở một số nơi chưa đầy đủ, tâm lý ngại thay đổi, thậm chí nhiều trường hợp hiệu trưởng không sử dụng thành thạo CNTT ở mức cơ bản; việc đầu tư cho CNTT không đồng bộ, dẫn tới hiệu quả ứng dụng không cao.

Hay công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT chưa tốt là bởi tâm lý xã hội chạy theo bằng cấp, trong khi nhà trường không tổ chức định hướng nghề nghiệp cho các em; bên cạnh đó, sức hấp dẫn của nhiều chương trình đào tạo nghề chưa cao, chưa gắn với năng lực hành nghề, trang thiết bị các trường đào tạo nghề thiếu đồng bộ, đội ngũ giáo viên đào tạo nghề thiếu kinh nghiệm thực tế...

Từ đó có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì để triển khai thành công nhiệm vụ năm học mới, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với giáo dục, thưa Bộ trưởng?

- Những kết quả đạt được hay hạn chế đều mang lại cho chúng ta những bài học quý giá. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức được đầy đủ các bài học này và có kế hoạch khắc phục trong thời gian tới.

Trước hết, công tác lập quy hoạch, kế hoạch phải là khâu đầu tiên, là nhiệm vụ quan trọng nhất trong quá trình quản lý và là cơ sở để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Nếu Bộ quản lý nhà nước không dựa trên quy hoạch, kế hoạch thì hiệu quả hoạt động của Ngành không thể tốt được.

Thứ hai, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành cần bám sát thực tiễn hoạt động giáo dục, đồng thời nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để kịp thời điều chỉnh một số chủ trương, chính sách cho phù hợp. Tôi nói ví dụ, chủ trương thực hiện dự án VNEN là đúng. Tuy nhiên, nếu ta thực hiện thí điểm trước, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà thì tôi tin là hiệu quả sẽ cao hơn.

Thứ ba, công tác truyền thông cần phải được đẩy mạnh, chủ động, song hành với các hoạt động giáo dục để tạo sự đồng thuận của xã hội, trước hết là của các thầy cô giáo. Nhiều chủ trương đổi mới và các hoạt động giáo dục được triển khai có hiệu quả, thiết thực trong thời gian qua nhưng do chúng ta chưa làm tốt công tác truyền thông nên xã hội, người dân, thậm chí cả các cấp chính quyền, cán bộ, giáo viên chưa hiểu rõ, còn hoài nghi về những nỗ lực đổi mới của Ngành.

Thứ tư, giải quyết hài hòa bài toán giữa quy mô và chất lượng đào tạo. Việc tăng quy mô giáo dục, nhất là giáo dục đại học, không tương xứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng là vấn đề có thể để lại hậu quả về kinh tế, xã hội trong thời gian dài, khó khắc phục, gây tốn kém, lãng phí và bức xúc xã hội, giảm lòng tin vào ngành Giáo dục. Cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu của thị trường lao động để xác định quy mô đào tạo cho phù hợp hơn, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ năm, đổi mới phương thức huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Trong đó, cần tránh phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn đầu tư của Nhà nước, thay vào đó là coi trọng hơn các nguồn lực của tư nhân và nước ngoài trong đầu tư cho giáo dục. Cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong thu hút, huy động các nguồn lực của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư cho giáo dục.

Cuối cùng, một trong những bài học sâu sắc nhất đối với ngành GD-ĐT thời gian qua là phải biết lắng nghe các phản biện xã hội. Chẳng hạn, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, chúng ta đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện của xã hội, của các nhà khoa học, giáo viên và học sinh để từ đó có những điều chỉnh phù hợp hơn, qua đó giúp cho kỳ thi năm nay diễn ra nhẹ nhàng hơn, thuận lợi hơn.

9 nhiệm vụ lớn và giải pháp triển khai

Trong bài phát biểu nhậm chức tại Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực - nhân tài. Cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng cho phát triển GD-ĐT; phải tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài... Liệu có thể hình dung về nhiệm vụ năm học mới từ những phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng hay không, thưa Bộ trưởng?

- Năm học 2016-2017 là năm học thứ ba triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành GD-ĐT sẽ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế từ những năm học trước, đề ra 9 nhiệm vụ ưu tiên tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Đó là: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; Phát triển đội ngũ nhà giáo,CBQL giáo dục các cấp; Đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học, trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục ĐH; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong GD-ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước.

Mỗi nhiệm vụ này sẽ được cụ thể hóa bằng đề án cụ thể, trên cơ sở đó sẽ được triển khai bài bản, thống nhất trong toàn Ngành. Trong đó, sẽ phân kỳ thực hiện hàng năm để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Bước vào năm học mới, với niềm tin phía trước, ngành Giáo dục sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, tất cả vì tiềm năng lớn nhất của đất nước là nhân lực - nhân tài như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Quốc hội.

5 giải pháp cơ bản của năm học 2016-2017

1.Cải cách thể chế về GD-ĐT. Trong đó, tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Ngành và liên quan đến Ngành; lựa chọn theo thứ tự ưu tiên để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Ngành.

2.Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó, triển khai điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, nhân sự của các cơ quan quản lý giáo dục, trước hết là cơ quan Bộ GD-ĐT nhằm tinh gọn bộ máy, trên cơ sở đó sắp xếp nhân sự phù hợp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBQL giáo dục.

3.Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT. Trong đó, chú trọng các nguồn lực của xã hội và quốc tế để phát triển GD-ĐT. Quan tâm đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, đối tượng chính sách.

4.Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng độc lập các cơ sở giáo dục để có bức tranh tổng thể về năng lực thực sự của từng cơ sở và công khai kết quả kiểm định để xã hội đánh giá. Tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả nhưng đảm bảo công bằng, nghiêm túc.

5.Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT. Trong đó, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là thông tin về các gương người tốt, việc tốt trong Ngành để xã hội có cái nhìn đầy đủ và chia sẻ. Xây dựng hệ thống truyền thông thông suốt từ các trường, sở đến Bộ để truyền tải thông tin đầy đủ, đa chiều về những đổi mới mà Ngành đang thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

 Bài viết thuộc chuyên mục: Tin giáo dục

+ Thủ thuật soạn bài giảng E-learning: https://igiaoduc.blogspot.com
+ Diễn đàn hỗ trợ soạn bài giảng E-Learning: https://www.facebook.com/groups/baigiangelearning

 

Tip:Bài viết, video, hình ảnh, vui lòng gửi về địa chỉ email: Phavaphugmail.com


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Khi bạn nhận ra rằng mình muốn chia sẻ quãng đời còn lại với một ai đó, bạn sẽ mong điều đó sớm bắt đầu. - When you realize you want to spend the rest of your life with somebody, you want the rest of our life to start as soon as possible.
BÌNH LUẬN MỚI NHẤT - TIN TỨC
BÌNH LUẬN MỚI NHẤT - WINDOWS
MỖI LÚC MỘT NỤ CƯỜI
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập247
  • Hôm nay72,830
  • Tháng hiện tại543,095
  • Tổng lượt truy cập43,916,658
Thống kê truy cập
Flag Counter
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây