Scroll To Top

Cảm nhận của thế hệ cuối cùng biết tới cuộc sống “trước Internet”

Đăng lúc: Thứ tư - 31/08/2016 17:08 |  Góc học sinh | : Phạm Văn Phương | Đã xem: 3478 |   0

Cảm nhận của thế hệ cuối cùng biết tới cuộc sống “trước Internet”

Thế hệ cuối cùng biết tới cuộc sống “trước Internet” có những cảm nhận rất khác về đời sống. Đó là một thế hệ chuyển giao giữa hoài cổ và hiện đại. Đó cũng là thế hệ cuối cùng thực sự hiểu cuộc sống là như thế nào trước kỷ nguyên số.

Internet thay đổi phương thức kinh doanh, biến đổi diện mạo đời sống xã hội, tạo nên những cuộc cách mạng truyền thông… Internet không chỉ thay đổi thế giới ở tầm vĩ mô, mà còn tác động sâu xa tới từng tế bào xã hội, đó là tác động tới mỗi con người chúng ta.

Trước nay, đã có nhiều luồng thông tin thể hiện thái độ gay gắt đối với Internet và điện thoại thông minh, tựa như Internet và “smartphone” là những “nhân vật phản diện” khiến con người hiện đại trở nên “câm lặng”, “chúi mũi, dán mắt” vào màn hình điện thoại có kết nối.
 

camnhancuathehecuoicungbiettoicuocsongtruocinternet


Nhưng tác giả người Canada - Michael Harris - cho rằng “công nghệ không tốt cũng không xấu, điều quan trọng nhất mà con người có thể nói về công nghệ, đó là: Đã đến kỷ nguyên công nghệ rồi”.

Michael Harris là tác giả của cuốn sách nổi tiếng bán chạy tại ba thị trường xuất bản lớn Anh - Mỹ - Canada, cuốn sách này đã đoạt nhiều giải thưởng xuất bản, tựa sách là “The End of Absence: Reclaiming What We’ve Lost in a World of Constant Connection” (tạm dịch: Kết thúc trống vắng: Nhìn lại điều chúng ta đã mất trong thế giới không ngừng kết nối - 2014).

“The End of Absence” là một cuốn sách thú vị, viết về cách mà công nghệ làm thay đổi đời sống xã hội theo một hướng nhìn mới, công bằng hơn. Thay vì chỉ trích Internet, tác giả Harris khai thác vấn đề theo một hướng lạ: Cuộc sống đương đại trong cách nhìn của những người sinh ra trước năm 1985.

Theo tác giả Harris, thế hệ này là thế hệ cuối cùng của một đời sống xã hội khác biệt: “Nếu bạn sinh ra trước năm 1985, bạn sẽ hiểu rất rõ rằng cuộc sống là cả online và offline, là cả kết nối và ngưng kết nối. Bạn không ngừng thực hiện những cuộc hành hương con thoi trở về đời sống thuở trước và quay lại đời sống hiện đại”.
 


Cảm nhận của thế hệ này về đời sống đương đại rất khác biệt. Thế hệ “tiền Internet” này đã lớn lên, trưởng thành trong một bối cảnh khác, khi đó, thế giới mới chỉ có những phương thức truyền thông hữu hạn, báo in thịnh hành, truyền hình có một vài kênh cơ bản, đời sống có ít phương thức giải trí, nhịp sống chậm rãi.

Thế giới đó không tốt hơn và cũng không tệ hơn thế giới có sự thống trị của công nghệ hôm nay. Điều khác biệt nằm ở chính cảm nhận của thế hệ chuyển giao.

“Nếu bạn thuộc vào thế hệ cuối cùng được chứng kiến cuộc sống trước khi Internet thống trị, bạn cũng thuộc vào thế hệ cuối cùng hiểu thế nào là thực sự trò chuyện theo nghĩa cơ bản, nguyên gốc trong từ điển, trò chuyện mặt đối mặt, chia sẻ, tương tác một cách chân thực và có thể còn rất sâu sắc, ý nghĩa”.

Những người thuộc vào thế hệ chuyển giao này có thể nói thành thạo hai “ngôn ngữ” - ngôn ngữ online và offline, ngôn ngữ mạng và ngôn ngữ đời thường.

Điều này đồng nghĩa với việc thế hệ chuyển giao sẽ có khả năng nhìn ra rõ nhất những biến đổi giữa hai thế giới trước và sau Internet, như sự giảm đi thấy rõ những tương tác trực tiếp, thay vào đó, con người dần “định giá” nhau bằng những con số trên mạng, dần dần vị thế của con người trong cộng đồng cũng được “số hóa”.
 


Hẳn trong nhiều bài báo, độc giả đã từng thấy có những nhân vật nổi tiếng được giới thiệu là “hot Facebooker”, “hot Instagrammer”, “hot blogger”… với số lượt “follow” (theo dõi) khủng; hay một thông tin “hot” lan truyền trên mạng đã nhận được bao nhiêu lượt “like”, “share”, “comment”…

Ở trên mạng, mức độ hot của một cá nhân được thể hiện bằng những con số cụ thể với những “bão like”, “bão share”…

“Nếu một đăng tải trên mạng của bạn nhận được nhiều lượt ‘like’, ‘share’, hút nhiều ‘comment’, điều có có nghĩa là những thông tin, nhận định của bạn có giá trị. Nếu ảnh Facebook của bạn nhận được nhiều ‘like’, điều đó có nghĩa bạn được cộng đồng của mình công nhận về mặt thẩm mỹ…”.

“Một trong những điều khiến tôi cảm thấy lo ngại về đời sống đương đại, đó là chúng ta đang ‘online’ quá nhiều, ‘online’ không ngừng nghỉ, đến mức chúng ta đánh mất đi khả năng quyết định cho chính mình, rằng khi nào online, khi nào offline, chứng nghiện kết nối, nghiện ‘online’, nghiện ‘smartphone’ là có thực”, tác giả Harris chia sẻ.

Trong cuốn sách của mình, tác giả Harris không khuyên độc giả nên ít lên mạng hơn, cũng không than phiền về thế hệ trẻ hôm nay. Thay vào đó, ông “mềm mỏng” nói về nỗi lo đối với chính mình, về sự bất an, bồn chồn, về cách hành xử của mình…
 


Giống như phần đông mọi người, việc Harris làm đầu tiên trong ngày vào buổi sáng thức dậy, chính là check email trên điện thoại. Đó là “nghi thức buổi sáng” quen thuộc đối với rất nhiều người làm công việc văn phòng hôm nay.

“Khi chúng ta thức dậy, bộ não của chúng ta đều trải qua một nhịp trống rỗng. Lúc này, chúng ta có thể lựa chọn lấp đầy nó bằng bất cứ cái gì. Nhưng phần đông chúng ta đều có chung một kiểu lo lắng bồn chồn. Thay vì tự vấn xem chúng ta nên làm gì, chúng ta luôn tự hỏi xem mình có bị bỏ lỡ mất việc gì không”.

“Điều đó giống như một dạng hụt hơi được lập trình sẵn từ trong tiềm thức, khi chúng ta thức, chúng ta online không ngừng, không bỏ lỡ một việc gì trên mạng, và sau một giấc ngủ đêm kéo dài, chúng ta cảm thấy lo sợ vì quãng thời gian offline suốt nhiều tiếng”.

Trong cuốn sách của mình, Harris còn khai thác những tác động, ảnh hưởng sâu xa của Internet đối với đời sống tình cảm, thậm chí là đời sống tình dục của các cặp đôi, mà trong đời thường, chúng ta vẫn thường nói đùa rằng “vạch kết nối càng mạnh, chất xúc tác càng… yếu”; hay về trí nhớ “ngắn hạn” của con người, khi chúng ta nhiều khi không tài nào nhớ ra nổi một con phố quen và buộc lòng phải nhờ tới… Google Maps; hay như khả năng tập trung bị giảm sút, thường bị phân tán vì liên tục với tay check điện thoại…
 


Tác giả Harris cũng rất thực tế khi chia sẻ rằng ông không khuyến khích độc giả hạn chế thời lượng online bởi trong bối cảnh đương đại, với phần đông mọi người, Internet chính là công việc, là sự nghiệp, nếu người ta xa lánh Internet, không khác gì đang đánh mất tương lai triển vọng cho công việc của mình.

Tác giả Harris chỉ khuyên rằng mỗi cá nhân hãy tự định ra cho mình những khoảng thời gian “offline” hợp lý, điều đó sẽ có ích cho cuộc sống của họ: “Điều các bạn có được khi cân bằng giữa online và offline, đó là một nội tâm sâu sắc hơn, thấy mình thông tuệ, sáng suốt hơn, đời sống online cũng thú vị hơn. Bạn sẽ không quan sát được vấn đề một cách thỏa đáng nếu luôn ngụp lặn trong đó, hãy có thời gian tách ra để nhìn được toàn cảnh”.
Charlie Puth - We Don't Talk Anymore (feat. Selena Gomez)

Nguồn tin: Theo Quartz

 Bài viết thuộc chuyên mục: Góc học sinh

+ Thủ thuật soạn bài giảng E-learning: https://igiaoduc.blogspot.com
+ Diễn đàn hỗ trợ soạn bài giảng E-Learning: https://www.facebook.com/groups/baigiangelearning

 

Tip:Bài viết, video, hình ảnh, vui lòng gửi về địa chỉ email: Phavaphugmail.com


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đừng thở dài hãy vươn vai mà sống. Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu. Khuyết danh
BÌNH LUẬN MỚI NHẤT - TIN TỨC
BÌNH LUẬN MỚI NHẤT - WINDOWS
MỖI LÚC MỘT NỤ CƯỜI
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập458
  • Hôm nay66,805
  • Tháng hiện tại614,529
  • Tổng lượt truy cập52,420,300
Thống kê truy cập
Flag Counter
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây