Đắc nhân tâm – How to win friends and Influence People của Dale Carnegie là quyển sách nổi tiếng nhất, bán chạy nhất và có tầm ảnh hưởng nhất của mọi thời đại. Tác phẩm đã được chuyển ngữ sang hầu hết các thứ tiếng trên thế giới và có mặt ở hàng trăm quốc gia.
Đây là quyển sách duy nhất về thể loại self-help liên tục đứng đầu danh mục sách bán chạy nhất (best-selling Books) do báo The New York Times bình chọn suốt 10 năm liền. Riêng bản tiếng Anh của sách đã bán được hơn 15 triệu bản trên thế giới. Tác phẩm có sức lan toả vô cùng rộng lớn – dù bạn đi đến bất cứ nơi đâu, bất kỳ quốc gia nào cũng đều có thể nhìn thấy. Tác phẩm được đánh giá là quyển sách đầu tiên và hay nhất, có ảnh hưởng làm thay đổi cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới.
Không còn nữa khái niệm giới hạn,
Đắc Nhân Tâm là nghệ thuật thu phục lòng người, là làm cho tất cả mọi người yêu mến mình.
Đắc nhân tâm và cái Tài trong mỗi người chúng ta.
Đắc Nhân Tâm trong ý nghĩa đó cần được thụ đắc bằng sự hiểu rõ bản thân, thành thật với chính mình, hiểu biết và quan tâm đến những người xung quanh để nhìn ra và khơi gợi những tiềm năng ẩn khuất nơi họ, giúp họ phát triển lên một tầm cao mới. Đây chính là nghệ thuật cao nhất về con người và chính là ý nghĩa sâu sắc nhất đúc kết từ những nguyên tắc vàng của Dale Carnegie.
Quyển sách
Đắc nhắn tâm là cuốn sách “đầu tiên và hay nhất mọi thời đại về nghệ thuật giao tiếp và ứng xử”, quyển sách đã từng mang đến thành công và hạnh phúc cho hàng triệu người trên khắp thế giới.
Đắc Nhân Tâm là cuốn sách gối đầu giường về đối nhân xử thế.
Mục Lục :
§ Lời giới thiệu
§ Quyển sách của mọi thời đại
§ “ĐẮC NHÂN TÂM” ra đời như thế nào ?
§ Để quyển sách này mang đến kết quả tốt nhất
Phần I - Nghệ Thuật Ứng Xử Căn Bản
§ Chương 1 : “Muốn Lấy Mật Thì Đừng Phá Tổ Ong"
§ Chương 2 : Bí Mật Lớn Nhất Trong Phép Ứng Xử
§ Chương 3 : Ai Làm Được Điều Dưới Đây, Người Đó Sẽ Có Cả Thế Giới
Phần II - 6 Cách Tạo Thiện Cảm
§ Chương 4 : Thành Thật Quan Tâm Đến Người Khác
§ Chương 5 : Cách Đơn Giản Để Tạo Ấn Tượng Tốt Đẹp
§ Chương 6 : Để Mọi Việc Luôn Được Suôn Sẻ
§ Chương 7 : Để Trở Thành Người Giao Tiếp Khéo Léo
§ Chương 8 : Thu Hút Sự Quan Tâm Của Người Khác
§ Chương 9 : Để Người Khác Yêu Thích Bạn Ngay Lập Tức
Phần III - 12 Cách Hướng Người Khác Suy Nghĩ Theo Bạn
§ Chương 10 : Không Tranh Cãi !
§ Chương 11 : Tôn Trọng Ý Kiến Người Khác
§ Chương 12 : Thẳng Thắn Thừa Nhận Sai Lầm Của Mình
§ Chương 13 : Mật Ngọt Trong Giao Tiếp
§ Chương 14 : Bí Quyết Của Socrates
§ Chương 15 : Khôn Ngoan Khi Gặp Đối Đầu
§ Chương 16 : Để Nhận Được Sự Hợp Tác Cao Nhất
§ Chương 17 : Đặt Mình Vào Hoàn Cảnh Người Khác
§ Chương 18 : Điều Mọi Người Mong Muốn
§ Chương 19 : Khơi Gợi Sự Cao Thượng
§ Chương 20 : Trình Bày Vấn Đề Một Cách Sinh Động
§ Chương 21 : Khơi Gơi Tinh Thần Vượt Lên Thử Thách
Phần IV - Chuyển Hoá Người Khác Mà Không Gây Ra Sự Chống Đối Hay Oán Giận
§ Chương 22 : Trước Khi Phê Bình, Hãy Khen Ngợi
§ Chươg 23 : Phê Bình Một Cách Gián Tiếp
§ Chương 24 : Nhìn Nhận Sai Lầm Của Bản Thân Trước Khi Phê Bình Người Khác
§ Chương 25 : Gợi Ý Thay Vì Ra Lệnh
§ Chương 26 : Giữ Thể Diện Cho Người Khác
§ Chương 27 : Khuyến Khích Người Khác
§ Chương 28 : Cho Người Khác Niềm Tự Hào
§ Chương 29 : Mở Đường Cho Người Khác Sửa Chữa Lỗi Lầm
§ Chương 30 : Tôn Vinh Người Khác
=====================
Lời Giới Thiệu
Believe that you will succeed – and you will!
“Tin rằng thành công – Bạn sẽ thành công!” - Dale Carnegie
Đắc Nhân Tâm – How To Win Friends and Influence People của Dale Carnegie là quyển sách nổi tiếng nhất, bán chạy nhất và có tầm ảnh hưởng nhất của mọi thời đại. Tác phẩm đã được chuyển ngữ sang hầu hết các thứ tiếng trên thế giới và có mặt ở hàng trăm quốc gia. Đây là quyển sách duy nhất về thể loại self-help liên tục đứng đầu danh mục sách bán chạy nhất (Best-selling Books) do báo
The New York Times bình chọn suốt 10 năm liền. Riêng bản tiếng Anh của sách đã bán được hơn 15 triệu bản trên thế giới. Tác phẩm có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn – dù bạn đi đến bất cứ đâu, bất kỳ quốc gia nào cũng đều có thể nhìn thấy. Tác phẩm được đánh giá là quyển sách đầu tiên và hay nhất, có ảnh hưởng làm thay đổi cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới.
Ở Việt Nam, tác phẩm
How to Win Friends and Influence Peoplecủa Dale Carnegie đã có hơn 50 năm gắn bó cùng bạn đọc Việt Nam qua bản dịch
Đắc Nhân Tâm của học giả Nguyễn Hiến Lê và đã giúp nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam thành công trong cuộc sống. Trong suốt 50 năm ấy,
How to Win Friends and Influence People từng nhiều lần được những người con của Dale chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thời đại mới. Rất nhiều ví dụ, dẫn chứng quá cũ đã được thay bằng những câu chuyện mới, mang tính thời đại và ý nghĩa hơn. Và đó cũng chính là mong muốn của Dale Carnegie lúc sinh thời. Ông vẫn hằng mong tác phẩm của mình có một sức sống hợp với thời đại và ngày càng lan tỏa, phát triển mãi.
Chính vì sự cập nhật mới của tác phẩm cũng như khát khao mang đến cho độc giả Việt Nam một tác phẩm thật sự giá trị về nghệ thuật giao tiếp và chinh phục lòng người, First News đã quyết định mua bản quyền ấn bản mới nhất và biên dịch lại tác phẩm nổi tiếng này.
Đắc Nhân Tâm - How to Win Friends and Influence People được First News mua bản quyền của Nhà xuất bản Simon & Schuster của Mỹ. Đây là bản dịch đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam từ trước đến nay có bản quyền từ nhà xuất bản gốc và được sự đồng ý của gia đình Dale Carnegie.
Cũng như nhiều người đã từng chiêm nghiệm và thành công nhờ những triết lý trong quyển sách này, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch và Tổng Giám đốc PepsiCo, Đông Dương, đã chia sẻ cảm nhận sâu sắc của mình:
“Đắc Nhân Tâm không đơn thuần là cách cư xử chỉ để được lòng người. Đó là một trong những nhận thức hình thành nhân cách con người theo những chuẩn giá trị được đa số đồng ý và chia sẻ. Trong cuộc sống, Đắc Nhân Tâm thể hiện qua sự quan tâm, tôn trọng những người quanh ta và xã hội mình đang sống. Trong kinh doanh, nó thể hiện sự công bằng (fairness) và tư duy cùng thắng (win-win). Trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội qua sự đóng góp của bản thân từng con người và doanh nghiệp, hiểu theo “đắc nhân tâm”, sẽ không còn là sự “cố gắng làm hài lòng” hoặc “ban phát” mà chính là thước đo nhân cách, là bổn phận và trách nhiệm của những người quản lý và doanh nghiệp đó”.
Không còn nữa khái niệm giới hạn, Đắc Nhân Tâm là nghệ thuật thu phục lòng người, là làm cho tất cả mọi người yêu mến mình. Đắc Nhân Tâm của thời đại mới đòi hỏi sự hiện diện của cái Tâm, cái Tầm và cái Tài trong mỗi người chúng ta. Đắc Nhân Tâm trong ý nghĩa đó cần được thụ đắc bằng sự hiểu rõ bản thân, thành thật với chính mình, hiểu biết và quan tâm đến những người xung quanh để nhìn ra và khơi gợi những tiềm năng ẩn khuất nơi họ, giúp họ phát triển lên một tầm cao mới. Đây chính là nghệ thuật cao nhất về con người và chính là ý nghĩa sâu sắc nhất đúc kết từ những nguyên tắc vàng của Dale Carnegie.
Đồng cảm với mục đích tốt đẹp của First News và mong muốn góp phần phát triển nét văn hóa ứng xử “Đắc Nhân Tâm” ở Việt Nam, Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm© - đại diện chính thức của tổ chức Dale Carnegie tại Việt Nam – đã đồng hành với First News để giới thiệu quyển sách “
đầu tiên và hay nhất mọi thời đại về nghệ thuật giao tiếp và ứng xử”, quyển sách đã từng mang đến thành công và hạnh phúc cho hàng triệu người trên khắp thế giới.
Chân thành chúc các bạn sẽ tìm được những điều bổ ích và thành công với quyển sách đặc biệt này.
- First News
***************************
Quyển Sách Của Mọi Thời Đại
Khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1936, tác phẩm “
How to Win Friends and Influence People” của Dale Carnegie chỉ in có năm nghìn bản. Cả Dale Carnegie và nhà xuất bản Simon & Schuster đều không ngờ rằng ngay khi phát hành, quyển sách đã trở thành một hiện tượng đáng kinh ngạc trong ngành xuất bản Hoa Kỳ. Simon & Schuster phải tái bản liên tục mới kịp đáp ứng đủ nhu cầu của bạn đọc. Trong suốt nhiều thập kỷ tiếp theo và cho đến tận bây giờ, tác phẩm này vẫn chiếm vị trí số một trong danh mục sách bán chạy nhất và trở thành một sự kiện có một không hai trong lịch sử ngành xuất bản thế giới và được đánh giá là một quyển sách có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
Dale Carnegie đã từng nói kiếm được một triệu đô-la còn dễ dàng hơn là sáng tạo ra một cụm từ tiếng Anh thông dụng. “
How to win friends and influence people” đã trở thành một cụm từ nổi tiếng được sử dụng nhiều đến mức chính người tạo ra nó cũng không ngờ đến. Cụm từ này và những giá trị trong tác phẩm của Dale Carnegie đã được đề cập, trích dẫn, bàn luận, ứng dụng trong vô vàn tình huống khác nhau của cuộc sống.
Tác phẩm đã được dịch sang hơn 45 ngôn ngữ trên thế giới. Và, thật diệu kỳ, quyển sách chưa bao giờ bị lạc hậu bởi thời gian. Mỗi thế hệ đều cảm nhận, khám phá từ quyển sách cách tư duy, cách ứng xử và cách sống mới mẻ, thú vị và rất hữu ích cho cuộc sống của chính mình.
Một vấn đề rất đáng được nêu lên: Tại sao phải đánh giá lại một tác phẩm mà sự thành công và nổi tiếng của nó đã được minh chứng qua thực tiễn của mọi thời đại ? Tại sao phải hiện đại hóa một tác phẩm đã được xem là kinh điển, là một biểu tượng văn hóa của nhân loại ?
Để trả lời câu hỏi trên, trước hết chúng ta cần hiểu rằng Dale Carnegie đã dành tâm huyết cả cuộc đời mình để viết nên tác phẩm này. “
How to Win Friends and Influence People” đã được dùng làm tài liệu chính cho các bài giảng và các cuộc nói chuyện về “
Thuật đối nhân xử thế và giao tiếp hiệu quả” của Dale Carnegie và những thế hệ diễn giả sau này. Cho đến trước khi qua đời vào năm 1955, ông vẫn không ngừng bổ sung và cập nhật những kinh nghiệm sống của mình vào tác phẩm này trong mỗi lần tái bản để quyển sách luôn phù hợp với tư duy của thời đại mới. Dường như không ai nhạy cảm bằng Dale Carnegie trong cảm nhận về xu hướng phát triển của các mối quan hệ và cuộc sống nội tâm con người. Nếu như Dale Carnegie còn sống, chắc chắn ông sẽ vẫn tiếp tục bổ sung, cập nhật để tác phẩm tâm huyết của mình luôn đồng hành, sống mãi với thời gian.
Tên tuổi của nhiều nhân vật nổi tiếng từ trước những năm 1930 từng được đề cập, trích dẫn trong các lần xuất bản trước của quyển sách này không còn quen thuộc với bạn đọc ngày nay nữa. Một số dẫn chứng và ví dụ minh họa đã lạc hậu với hiện tại. Do đó, trong lần xuất bản mới nhất này, chúng tôi cập nhật và bổ sung những ví dụ, dẫn chứng để làm nổi bật hơn những ý tưởng tinh tế, tầm nhìn và những kinh nghiệm có giá trị vĩnh hằng của Carnegie. Thật vậy, Dale Carnegie đã viết như ông đã nghĩ, đã nói và đã sống bằng cả trái tim mình, một trái tim chân thành, giàu lòng trắc ẩn và luôn tràn đầy nhiệt huyết.
Từng ngày, từng giờ, hàng triệu người trên khắp thế giới vẫn đang đọc tác phẩm bất hủ này của Carnegie. Quyển sách đã giúp thay đổi cuộc đời của rất nhiều người tốt đẹp hơn. Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc ấn bản cập nhật mới này và tin tưởng nó sẽ đem lại cho bạn sự thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
DOROTHY CARNEGIE
**************************
"Đắc Nhân Tâm" Ra Đời Như Thế Nào ?
Trong 35 năm đầu thế kỷ hai mươi, các nhà xuất bản ở Mỹ đã in trên 200.000 đầu sách khác nhau. Hầu hết chúng đều nhàm chán và thất bại về doanh thu. Giám đốc một trong những nhà xuất bản lớn nhất trên thế giới cho tôi biết rằng dù nhà xuất bản của ông đã có bảy mươi lăm năm kinh nghiệm song vẫn thất bại 7 trên 8 đầu sách đã in trong năm.
Như vậy, tại sao tôi vẫn quyết tâm viết cuốn sách này và sau khi hoàn tất, tôi còn tâm đắc đọc đi đọc lại rất nhiều lần ?
Từ năm 1912, tôi giảng dạy nghệ thuật kinh doanh ở New York. Ban đầu, với kinh nghiệm thực tế, tôi dạy học viên cách diễn thuyết trước công chúng. Sau đó, tôi nhận thấy các học viên cần được hướng dẫn cách diễn đạt hiệu quả, đặc biệt là nghệ thuật ứng xử với con người, trong kinh doanh cũng như giao tiếp xã hội hàng ngày. Tôi nghĩ rằng, chính bản thân tôi cũng cần tự nhìn lại mình. Suy nghiệm về thời gian đã qua, tôi tự nhận thấy bản thân đã có rất nhiều lần xử sự thiếu tế nhị. Nếu cách đây 20 năm mà được đọc một quyển sách dạy cách ứng xử tốt thì có lẽ tôi đã khác đi rất nhiều.
Cư xử sao cho đẹp lòng người nhưng không thiệt phần mình là cả một nghệ thuật. Điều đó đòi hỏi sự nhạy cảm, tinh tế trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là trong quan hệ kinh doanh. Điều này đúng với tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội.
Theo một nghiên cứu được tiến hành dưới sự bảo trợ của Viện Carnegie thì ngay cả trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, thành công về tài chính của một người thường chỉ có 15% là do khả năng chuyên môn, 85% còn lại tùy thuộc vào nhân cách, sự khéo léo, tế nhị trong giao tiếp và khả năng quản lý, lãnh đạo.
Trên 1.500 kỹ sư đã đến với các lớp học do tôi giảng dạy tại Câu lạc bộ các kỹ sư Philadelphia và Viện Kỹ thuật điện Hoa Kỳ. Lý do họ đến với lớp học này là vì họ nhận ra rằng những người được trả lương cao nhất trong ngành cơ khí không phải là những người thông thạo nhất về máy móc mà chính là những người có trình độ kỹ thuật kết hợp với khả năng giao tiếp thông minh và tinh tế, có khả năng lãnh đạo, biết khơi dậy lòng nhiệt tình và biết động viên mọi người một cách tốt nhất. Rockefeller cũng từng nói rằng: “
Nếu có thể mua được khả năng đối nhân xử thế thì tôi sẵn sàng dốc hết hầu bao của mình vì đây chính là điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác trên đời”.
Cách đây khá lâu, trường Đại học Chicago và các trường của Hội Công giáo Mỹ đã tiến hành một cuộc thăm dò trong hai năm với 156 câu hỏi để tìm hiểu xem những người trưởng thành muốn học hỏi điều gì nhiều nhất. Trong danh sách đó có những câu như : Công việc và nghề nghiệp của bạn là gì ? Mối quan tâm của bạn là gì ? Thời giờ rảnh bạn làm gì ? Thu nhập của bạn ra sao ? Những sở thích, ước mơ của bạn ? Những vấn đề khó khăn của bạn trong cuộc sống ? Ngoài công việc, học tập, bạn quan tâm đến điều gì nhất ?...
Kết quả cuộc thăm dò cho thấy mọi người quan tâm nhiều nhất đến sức khỏe, tiếp theo đó là cách ứng xử sao cho họ được người khác quý trọng, tin tưởng và nghe theo.
Với mong muốn huấn luyện, đào tạo những học viên ở Meriden một khóa học về nghệ thuật giao tiếp ứng xử, những giảng viên đã cố gắng tìm kiếm một vài quyển sách để có thể làm tài liệu giảng dạy nhưng thật ngạc nhiên là không hề có một quyển sách nào được viết về đề tài này cả.
Không thể tìm ở đâu ra một cuốn sách để làm giáo trình, thế là tôi bắt tay vào viết một quyển sách như vậy. Trước khi viết, tôi đã bỏ nhiều thời gian để lục tìm và tham khảo rất kỹ những vấn đề mình đang quan tâm trên các sách báo, tạp chí, những câu chuyện và hồ sơ ghi chép các vụ kiện tụng trong gia đình và xã hội, các tác phẩm kinh điển của những triết gia và những nhà tâm lý học nổi tiếng trên thế giới...
Thậm chí tôi còn thuê cả một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp dành ra hơn một năm rưỡi trời để tìm đọc tất cả những gì có trong các thư viện mà tôi đã bỏ sót, đào bới trong những bài học về tâm lý, rà soát hàng trăm bài báo, tìm kiếm không biết bao nhiêu là tiểu sử với nỗ lực tìm hiểu cách mà các nhà lãnh đạo kiệt xuất của mọi thời đại đã đối xử với những người xung quanh họ như thế nào.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đọc về gương thành công của nhiều nhân vật xuất chúng như Julius Caesar(1), Thomas Edison(2) ... Tôi còn nhớ, chỉ riêng Theodore Roosevelt, chúng tôi đã tìm đọc đến hơn 100 bài tư liệu về cuộc đời ông.
Cá nhân tôi đã trực tiếp phỏng vấn rất nhiều người thành công, trong đó có những nhân vật nổi tiếng thế giới thuộc nhiều lĩnh vực: nhà phát minh vĩ đại Marconi, Edison… nhà lãnh đạo chính trị xuất chúng như Franklin D. Roosevelt, James Farley, nhà kinh doanh tài năng Owen D. Young, ngôi sao màn bạc Clark Gable, Mary Pickford, nhà thám hiểm Martin Johnson... để cố tìm ra những bí quyết thành công mà họ đã ứng dụng trong cách đối nhân xử thế.
Từ tất cả những tài liệu thu thập được, tôi đã chuẩn bị một bài viết ngắn có tên là “Đắc nhân tâm – Nghệ thuật đối nhân xử thế và thu phục lòng người”. Bài viết này chỉ “ngắn” ở giai đoạn đầu nhưng không lâu sau đó được phát triển thành một bài giảng kéo dài trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ.
Khi kết thúc bài giảng, tôi đề nghị các học viên thể nghiệm những kinh nghiệm, những nguyên tắc mà họ đã học vào trong công việc và cuộc sống của họ và khi quay trở lại lớp trong buổi học sau, mỗi học viên sẽ trình bày những trải nghiệm và kết quả mà họ đạt được. Tôi đã thật sự bất ngờ, thú vị và đồng cảm với những câu chuyện xúc động và những điều bổ ích mà các học viên kể lại.
Đây không phải là một quyển sách bình thường nằm lặng yên trên giá sách. Nó trưởng thành theo thời gian như sự phát triển
của một đứa trẻ. Nó “lớn lên và phát triển” vượt ra khỏi những kinh nghiệm của hàng triệu người qua các thời đại đầy biến động của rất nhiều nền văn hóa khác nhau.
Lúc khởi đầu cách đây nhiều năm, chúng tôi đã in những nguyên tắc ứng xử đó trên một tấm thẻ bằng kích cỡ tấm bưu thiếp. Một năm sau, chúng tôi phải in trên một bưu thiếp lớn hơn, sau đó là một tờ giấy khổ lớn… Dần dần những nguyên tắc đó cứ tăng lên và được in thành một loạt những quyển sổ tay nhỏ. Sau 15 năm nghiên cứu và trải nghiệm, quyển sách này chính thức được hoàn thiện và ra đời.
Những điều được trình bày trong quyển sách này không chỉ đơn thuần là những lý thuyết hay những lý luận cảm tính, chủ quan. Những kinh nghiệm này thật sự có một phép lạ và từng làm thay đổi cuộc đời của rất nhiều người đã ứng dụng nó.
Trong lớp học của tôi có một vị giám đốc quản lý 314 nhân viên. Trước đây, ông thường xuyên ép buộc, chỉ trích và trách mắng nhân viên của mình. Hầu như chẳng bao giờ ông có được thái độ dịu dàng, những lời động viên, khuyến khích nhân viên. Nhưng ngay sau khi nghiên cứu những nguyên tắc được đề cập trong quyển sách, ông đã thay đổi hoàn toàn triết lý sống của mình. Mọi nhân viên trong công ty ông như được thổi một luồng sinh khí mới, làm việc với một sự trung thành cao độ, lòng nhiệt tình hăng hái và một tinh thần đồng đội mạnh mẽ – điều mà trước đây chưa hề có. Điều tuyệt vời nhất là ông đã biến 314 con người mà ông từng xem như những kẻ chống đối trở thành 314 người bạn thật sự của mình. Ông tự hào kể lại: “
Trước đây mỗi lần đến công ty, tôi chẳng hề được ai chào đón. Các nhân viên thường nhìn về phía khác khi thấy tôi đến gần. Nhưng bây giờ tất cả thực sự đều là bạn tôi, ngay cả người bảo vệ gác cổng cũng chào tôi một cách rất thân mật”.
Người quản lý này đã đạt được nhiều thành công hơn, nhiều niềm vui hơn – và quan trọng hơn cả là ông đã tìm thấy được hạnh phúc trong công việc và cuộc sống.
Cũng nhờ ứng dụng hiệu quả những nguyên tắc trong quyển sách mà rất nhiều nhân viên kinh doanh đã tăng đáng kể doanh số của mình. Nhiều người phát triển thêm được những khách hàng mới – những khách hàng mà trước đó họ hoàn toàn vô vọng trong việc xây dựng mối quan hệ. Các lãnh đạo cấp cao thì được thăng chức, tăng lương. Những buổi học về nghệ thuật ứng xử không những đã thay đổi được nhiều người bảo thủ, có định kiến hay chống đối, những người thiếu hòa đồng thoát khỏi nguy cơ bị sa thải mà còn giúp họ nhận được lòng tin và được giao phó những trọng trách cao hơn. Những cách ứng xử này không những giúp hàn gắn lại những rạn nứt trong các mối quan hệ xã hội, công việc mà còn tạo nên những tình cảm tốt đẹp, làm thăng hoa hạnh phúc gia đình.
Hầu hết các học viên đều rất kinh ngạc về những kết quả tựa như phép mầu mà họ đã đạt được. Nhiều học viên đã điện thoại đến nhà tôi cả vào ngày chủ nhật vì không thể chờ đến 48 tiếng đồng hồ nữa để chia sẻ những trải nghiệm mà họ vừa khám phá được.
Một học viên quá xúc động trước một bài tham luận đến mức ngồi lại thảo luận với các học viên khác đến tận 3 giờ sáng mới ra về. Anh ta quá phấn khích và hồi hộp trước những nhìn nhận về lỗi lầm của bản thân và trước những cảm nhận cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa, thế giới đầy những điều mới mẻ, đầy những cảm hứng đang chờ đợi mình đến nỗi anh thao thức, không thể ngủ được trong nhiều đêm liền.
Giáo sư nổi tiếng William James của trường Đại học Harvard nói rằng: “
So với tất cả những gì chúng ta đã hành xử, chúng ta chỉ mới “tỉnh ngộ” có nửa phần mà thôi. Chúng ta mới chỉ sử dụng một phần nhỏ những khả năng thể chất và tinh thần vốn có. Con người thường dễ thỏa hiệp, bằng lòng với chính mình và sống trong các giới hạn tự đặt ra mà chúng cách rất xa so với khả năng thật sự của mình. Rất nhiều khả năng lớn lao đã không được dùng đến!”. Và, mục đích duy nhất của quyển sách này là giúp các bạn phát hiện, phát triển và tận dụng những tiềm năng đang còn ngủ yên, chưa được khai thác trong chính con người bạn!
Theo tiến sĩ John G. Hibben, nguyên Hiệu trưởng Đại học Princeton: “
Thước đo sự giáo dục của một con người chính là khả năng ứng xử của anh ta trước những tình huống của cuộc sống”.
Nếu như bạn đọc xong ba chương đầu của quyển sách mà vẫn chưa cảm thấy mình tiếp nhận được những kiến thức và kinh nghiệm tốt hơn để ứng dụng vào những tình huống thực tế cuộc sống của bạn thì tôi xem đó là một thất bại hoàn toàn. Và, như vậy, quyển sách này không còn cần thiết cho bạn nữa. Bởi vì “mục đích tối thượng của giáo dục”, như Herbert Spencer nói, “không phải là kiến thức - mà là hành động”.
Và - đây chính là một quyển sách của hành động! DALE CARNEGIE (1936)
(1) Julius Caesar (100 – 44 Tr.CN): Hoàng đế La Mã cổ đại.
(2) Thomas Edison (1847 – 1931): Nhà phát minh vĩ đại người Mỹ.
*********************
Để Quyển Sách Này Mang Đến Kết Quả Tốt Nhất
1. Một yêu cầu rất quan trọng để bạn đạt được hiệu quả cao nhất từ quyển sách này là: Một khao khát mãnh liệt, một quyết tâm mạnh mẽ muốn thay đổi, muốn cải thiện khả năng đối nhân xử thế và hoàn thiện chính mình.
Để có được một khát khao mãnh liệt như vậy, hãy nghĩ rằng việc hiểu biết và vận dụng thành công những nguyên tắc này sẽ giúp bạn có một cuộc sống giàu có về tinh thần lẫn vật chất, có được thành công và hạnh phúc hơn. Bạn cũng có thể tự lặp đi lặp lại rằng: “
Uy tín, giá trị và hạnh phúc của tôi phần lớn tùy thuộc vào khả năng ứng xử của tôi với mọi người xung quanh”.
2. Bạn nên đọc nhanh toàn bộ quyển sách để có được cái nhìn tổng quát về nội dung chính. Sau đó, bạn đọc lại thật kỹ từng chương. Về lâu dài, điều này sẽ tiết kiệm được thời gian, giúp bạn có được sự thay đổi lớn trong nội tâm và thu được những kết quả mỹ mãn.
3. Trong khi đọc, bạn nên dừng lại suy ngẫm về điều vừa đọc, tự hỏi xem bằng cách nào và khi nào thì có thể ứng dụng từng gợi ý thiết thực đó.
4. Hãy chuẩn bị sẵn bút màu, bút chì, bút mực, thước hay một vật gì có thể dùng để đánh dấu. Khi bạn tìm thấy một ý tưởng mà bạn nghĩ là có thể ứng dụng ngay được, hãy tô màu, gạch dưới hay đánh dấu theo cách riêng của bạn, hoặc dán một mảnh giấy nhỏ làm dấu. Điều này sẽ giúp cho việc đọc sách trở nên thú vị hơn. Ngoài ra, khi cần đọc lại, bạn sẽ nhanh chóng tìm thấy những điểm cần quan tâm một cách dễ dàng hơn.
5. Tôi có quen biết một giám đốc hành chính của một công ty bảo hiểm. Tất cả các hợp đồng bảo hiểm phát hành hàng tháng bà đọc qua đều giống hệt nhau. Thế nhưng cứ hết tháng này sang tháng khác, suốt mười lăm năm đương chức, bà ấy đã đọc không sót một hợp đồng nào. Tại sao thế ? Bởi vì kinh nghiệm đã dạy cho bà biết rằng, đây là cách tốt nhất để bà luôn nhớ được rõ ràng những điều khoản trong đầu.
Tôi đã từng mất gần hai năm ròng rã để viết một quyển sách về cách diễn thuyết trước công chúng nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn phải đọc lại để nhớ những gì chính tôi đã viết trong quyển sách của mình.
Vì vậy, nếu muốn có được lợi ích thực sự lâu dài từ quyển sách này, tôi đề nghị bạn nên đọc đi đọc lại nhiều lần. Sau khi đọc thật kỹ lưỡng, mỗi tháng bạn nên dành một vài giờ để xem lại quyển sách và đặt nó ở vị trí dễ nhìn thấy nhất trên bàn làm việc của mình. Hãy luôn nhớ rằng việc ứng dụng những nguyên tắc đã học chỉ có thể trở thành thói quen một khi chúng ta có một kế hoạch thực hành, ứng dụng, có ghi nhận và điều chỉnh thật sát sao và liên tục.
6. Học một ý tưởng, cách thức mới là một quá trình tích cực và chủ động. Chúng ta cần phải học bằng thực hành. Cho nên, nếu muốn làm chủ các nguyên tắc trong quyển sách này thì bạn cần phải thực hành. Bạn hãy tận dụng mọi cơ hội để ứng dụng những điều đã học được. Nếu không làm thế bạn sẽ nhanh chóng quên đi. Chỉ những kiến thức được ứng dụng mới được khắc ghi thật sự vào trong trí nhớ.
Tuy nhiên, tôi biết không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng ứng dụng những nguyên tắc này. Tôi biết rõ điều đó bởi vì chính tôi vẫn thường thấy khó ứng dụng những điều mà tôi đã biết vào cuộc sống hàng ngày như tôi đã từng dự định. Ví dụ, khi bạn không hài lòng với ai thì bạn thường có khuynh hướng phê phán và chỉ trích hơn là tìm cách hiểu hoàn cảnh và quan điểm của người ấy. Thường thì tìm thấy sai lầm dễ dàng hơn tìm thấy điều đáng để khen ngợi và nói về điều bạn muốn dễ dàng hơn là nói về điều người khác muốn, v.v. Cho nên, khi đọc quyển sách này, ngoài việc tìm kiếm những ý tưởng, thông tin mới, bạn còn cần tìm cách tạo nên những thói quen mới, thực hiện một cách sống, cách ứng xử và suy nghĩ mới. Điều này đòi hỏi thời gian và phải có sự quyết tâm, kiên trì tập luyện hàng ngày.
Như vậy, nếu bạn thường xuyên đọc đi đọc lại quyển sách này và xem đó như một cẩm nang về cách cải thiện những mối quan hệ với con người và xã hội, quyển sách sẽ rất hữu ích cho bạn. Mỗi lúc bạn đối diện với một vấn đề phức tạp - như mắc một lỗi lầm trong ứng xử, bị một đồng nghiệp hay một người bạn hiểu sai, khi cần đối xử với một đứa bé ngỗ nghịch, hòa giải những bất đồng trong đời sống gia đình hay phải làm hài lòng một khách hàng đang bực bội - thì bạn nên ứng dụng linh động những nguyên tắc đó. Tôi nghĩ rằng chắc chắn chúng sẽ đem lại những kết quả kỳ diệu cho bạn.
7. Bạn có thể đề nghị một người bạn hay người thân quan sát mình và có thể tặng người đó một món quà nhỏ mỗi lần người ấy bắt gặp bạn vi phạm một nguyên tắc ứng xử nào đó. Hãy biến việc thực hành những nguyên tắc này thành một trò chơi sinh động, thú vị.
8. Có lần, chủ tịch một ngân hàng nổi tiếng ở Wall Street nói về hệ thống câu hỏi tự kiểm tra rất hiệu quả mà ông dùng để tự điều chỉnh cách ứng xử của mình. Mặc dù trình độ học vấn không cao nhưng ông đã trở thành một trong những nhà tài chính uy tín nhất ở Mỹ. Ông thú nhận rằng, hầu hết mọi thành công mà ông có được đều là nhờ thường xuyên ứng dụng phương pháp đó. Dưới đây là nguyên văn lời tâm sự của ông:
“
Đã bao năm qua tôi giữ một quyển sổ ghi chép mọi cuộc hẹn mà tôi phải thực hiện trong tuần. Gia đình tôi không bao giờ có kế hoạch nào cho tôi vào buổi tối thứ bảy vì họ biết tôi luôn dành thời gian này cho cho quá trình “khai sáng”, tự kiểm điểm và nhìn nhận lại bản thân mình. Sau khi ăn, tôi mở quyển lịch hẹn và suy nghĩ về mọi cuộc phỏng vấn, thảo luận và gặp gỡ đã diễn ra trong tuần và tự hỏi mình:
“Tôi đã phạm những sai lầm gì?”
“Tôi làm được điều gì đúng và tôi có thể hoàn thiện hơn việc đó bằng cách nào?”
“Tôi học được những bài học gì từ kinh nghiệm này?”
Tôi luôn cảm thấy rất khó chịu trong những lần tự kiểm hàng tuần đó và thường rất ngạc nhiên trước những lỗi lầm hay sơ xuất ngu xuẩn của mình. Tuy nhiên, theo ngày tháng, những lầm lỗi này đã dần dần ít hẳn đi. Đôi khi, tôi cũng có dịp tự khen thưởng mình khi không nhận thấy lỗi lầm nào. Cách tự phân tích và kiên định tự giáo dục mình liên tục từ năm này sang năm khác đã giúp ích cho tôi nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Nó không chỉ giúp tôi nâng cao khả năng ra quyết định hiệu quả mà còn giúp tôi rất nhiều trong mọi mối giao tiếp. Tôi không thể có lời khuyên nào tốt hơn thế”.
Bạn cũng có thể dùng một hệ thống câu hỏi tương tự để kiểm tra cách ứng dụng những nguyên tắc được đề cập trong quyển sách này. Làm như vậy bạn sẽ có hai điều lợi. Thứ nhất, bạn sẽ thấy mình tham dự vào một quá trình tự rèn luyện, tự học hỏi, tuy vất vả nhưng rất có ý nghĩa và có giá trị lâu dài với bản thân. Thứ hai, bạn sẽ thấy khả năng ứng xử của mình với mọi người sẽ ngày càng hoàn thiện.
9. Bạn có thể dùng một cuốn sổ nhỏ để ghi lại diễn tiến những hiệu quả mà bạn đã ứng dụng từ quyển sách này. Bạn hãy ghi thật kỹ, cụ thể tên người, thời điểm và kết quả. Làm như thế sẽ thôi thúc bạn cố gắng hơn nữa, những ghi chú này sẽ trở thành những kỷ niệm rất thú vị khi bạn ngẫu nhiên đọc lại nó trong một buổi tối thảnh thơi nào đó ở nhiều năm sau…
Tóm lại, để đạt được hiệu quả tốt nhất từ quyển sách này, bạn nên:
§ Phát triển niềm khao khát sâu sắc và mạnh mẽ là sẽ làm chủ cho bằng được những nguyên tắc kỳ diệu về cách ứng xử trong mối quan hệ giữa người với người.
§ Đọc nhanh để nắm tổng quát và sau đó đọc từng chương thật kỹ trước khi đọc chương tiếp theo.
§ Khi đọc, bạn nên thường xuyên dừng lại để chiêm nghiệm và tự hỏi xem làm thế nào để có thể ứng dụng từng nguyên tắc vào cuộc sống hàng ngày của mình.
§ Gạch dưới mỗi ý tưởng hay và quan trọng.
§ Đọc lại quyển sách này vào thời gian rảnh mỗi tháng.
§ Tận dụng mọi cơ hội để ứng dụng những nguyên tắc này. Hãy dùng quyển sách như một cẩm nang giúp bạn giải quyết những vấn đề hàng ngày.
§ Tạo nên một trò chơi thú vị cho việc thực tập của mình bằng cách tặng một người thân nào đó một món quà nhỏ mỗi khi người ấy bắt gặp bạn vi phạm một trong những nguyên tắc.
§ Mỗi tuần hãy kiểm tra lại những tiến bộ mà bạn đạt được. Tự hỏi xem mình đã phạm những sai lầm gì, đạt được những tiến bộ gì, rút ra được những bài học gì cho tương lai.
§ Ghi lại thời gian và cách thức cụ thể mà bạn đã ứng dụng những nguyên tắc này vào cuốn sổ nhỏ.
Bắt đầu xem: Đắc Nhân Tâm - Phần I - Chương 1
cho e hỏi tên các cuốn sách mà cô lien đã chia sẻ ạ
Thầy Thành thiết kế cái ảnh đẹp quá. :) (y)