Scroll To Top

Vấn đề phân biệt viết i (ngắn) và y (dài)

Đăng lúc: Thứ ba - 16/04/2019 09:47 |  Kiến thức | : Người đưa tin | Đã xem: 2479 |   0
Hiện nay, trong chính tả tiếng Việt (chữ Quốc ngữ), người ta vẫn còn lúng túng trong việc chọn i ngắn và y dài trong một số trường hợp. Cụ thể là khi âm /i/ đứng làm âm chính trong âm tiết mở (không có âm cuối vần) sau các phụ âm /h, k, l, m, s, t/. Và do đó vẫn tồn tại hai cách viết.

Hiện nay, trong chính tả tiếng Việt (chữ Quốc ngữ), người ta vẫn còn lúng túng trong việc chọn i ngắn  y dài trong một số trường hợp. Cụ thể là khi âm /i/ đứng làm âm chính trong âm tiết mở (không có âm cuối vần) sau các phụ âm /h, k, l, m, s, t/. Và do đó vẫn tồn tại hai cách viết.

hi vọng/ hy vọng kĩ thuật/ kỹ thuật lí luận/ lý luận mĩ thuật/ mỹ thuật công ti/ công ty sĩ quan/ sỹ quan
Thực ra muốn bàn vấn đề này một cách thấu đáo, phải đề cập một phạm vi rộng hơn, đó là vấn đề chính tả của chữ Quốc ngữ nói chung. Nhưng như thế, bài viết sẽ quá dài, do đó chúng tôi chỉ đề cập vấn đề chung một cách ngắn gọn, chủ yếu là những gì liên quan đến cách viết i ngắn/ y dài, xoay quanh nguyên tắc ghi âm hay ghi ý.

Những người thiên về góc nhìn ngữ âm học cho rằng cả hai chữ i ngắn và y dài trong các trường hợp trên đều ghi âm /i/ nên bản chất không có gì khác nhau cả, vậy nên tốt nhất là nhập hai cách viết đó làm một cho nhất quán và giản tiện. Giáo trình Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt viết: “Trong chính tả hiện nay đang có những trường hợp cùng một âm vị nhưng được viết tùy tiện theo hai cách khác nhau. Đó là cách viết lung tung i/y và d/gi” (1).

Và tác giả đề nghị: “Thống nhất viết nguyên âm - âm chính /i/ bằng chữ cái “i”, ví dụ: lí luận, kĩ thuật, mĩ thuật,…” (2). Không chỉ tác giả của giáo trình trên mà xu hướng chung của giới ngôn ngữ học nhiều năm qua là như vậy. Nhưng xã hội cũng không dễ gì chấp nhận những đề nghị nói trên, dù có những lý do hợp lý nhất định. Tuy đại đa số không có lý thuyết về ngôn ngữ học, nhưng bằng ngữ cảm bản ngữ, người ta cũng nhận thấy viết nhất loạt i ngắn như mất mát, thiếu hụt cái gì đó, cho nên cách viết y dài vẫn được duy trì ở chỗ này chỗ khác.

Chẳng hạn: – Tại số nhà 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội có hai viện “chữ nghĩa” lớn nhất nước ta – Viện Văn học (với cơ quan ngôn luận là tạp chí Văn học) và Viện Ngôn ngữ (với tạp chí Ngôn ngữ) – thì trong khi bên Ngôn ngữ viết i ngắn, bên Văn học vẫn viết y dài. – Nhà xuất bản Giáo dục quy định những trường hợp trên phải nhất loạt viết i ngắn. Tuy nhiên, khi các công ty con của nhà xuất bản ra đời, ban đầu tên công ty đều viết là ti (i ngắn), nhưng rồi càng ngày người ta càng nhận thấy bất tiện, nên đã dần dần đổi sang viết ty (y dài).

– Một số tác giả viết sách cho Nhà xuất bản Giáo dục, trong khi chấp nhận viết nhất loạt i ngắn cho sách giáo khoa, thì các sách khác vẫn đề nghị viết phân biệt i ngắn/ y dài. Nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Trần Ngọc Thêm, lúc đầu cũng ủng hộ nhất loạt viết i ngắn, nhưng về sau chính ông đã nhận thấy, chỉ xét riêng về mặt văn hóa, đã không ổn. Góp ý cho sách giáo khoa lớp 4 mới (2005), ông chỉ ra việc nhất loạt viết i ngắn là một chủ chương cực đoan và không thích hợp, nhất là khi gặp tên riêng, vì ở đó phải tôn trọng truyền thống và tự do cá nhân. Và năm sau, NXB Giáo dục đã sửa cách viết tên riêng theo hướng này. (Viết Chương Mỹ, Lý Tự Trọng thay cho Chương Mĩ, Lí Tự Trọng) Đặc biệt, học giả Cao Xuân Hạo, trong một giai đoạn dài đã đơn thương độc mã chống lại chủ trương sáp nhập i ngắn và y dài, cũng như chủ trương cải tiến chữ Quốc ngữ nói chung. Cái mà đa số giới ngôn ngữ học cho hệ thống ghi âm 1 đối 1 (1 âm – 1 chữ và ngược lại) là ưu điểm của chữ Quốc ngữ – thì ông đánh giá ngược lại: "Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm vị học, mà ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong trường hợp các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt. Tuy vậy, cũng giống như chữ Anh và chữ Pháp, những chỗ bị người ta coi là bất hợp lý chính là những chỗ làm cho nó phân biệt nghĩa và cội nguồn của các từ đồng âm như da  gia,   lí (trong lí nhí). v.v..

Đáng tiếc là những chỗ như thế không lấy gì làm nhiều” 
(3). Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích thêm những bất cập của chủ trương nhất loạt viết i ngắn và sự có lý của chủ trương bảo tồn sự phân biệt i ngắn/y dài. Nếu vận dụng triệt để nguyên tắc ngữ âm học theo kiểu 1 – 1 giữa âm và chữ, thì ngoài i ngắn/ y dài trong âm tiết mở nói trên, sẽ còn phải xử lý “nhất quán” hàng loạt trường hợp khác. Ví dụ:
  • i/y độc lập làm âm tiết: y tế, chuẩn y, ý nghĩa, ỷ thế, yêu cầu, yếu thế yểu điệu,… → i tế, chuẩn i, í nghĩa, iêu cầu,… Và i/y trong tổ hợp làm vần: uyên bác, khuyên bảo, quyên góp, thuyết minh,… → uiên bác, khuiên bảo, quiên góp, thuiết minh,…
  • c/k/q (cùng ghi âm “cờ”): quốc ca, cứu quốc, con đường quanh co,… → kuốc ka, kứu kuốc, kon đường kuanh ko,…
  • d/gi (cùng ghi âm “dờ”): giáo dục gia đình → dáo dục da đình hoặc záo zục za đình
  • g/gh (cùng ghi âm “gờ”): gồ ghề, ghen ghét → gồ gề, gen gét
  • ng/ngh (cùng ghi âm “ngờ”): ngấp nghé, ngông ghênh → ngấp ngé, ngông ngênh
Ngoài ra còn nhiều trường hợp “bất hợp lý” khác: viết u và o khi cùng ghi âm đệm /u/: quanh/ khoanh; viết u và okhi cùng ghi âm cuối /u/: báu/ báo; viết ă và a khi cùng ghi âm chính /a/ ngắn: săn/ sau (trẻ con vẫn đánh vần “á-u-au, sờ-au-sau”. v.v.. Nếu sửa tất cả cho nhất quán, để chữ Quốc ngữ thành một “hệ thống ghi âm hoàn hảo, không chê vào đâu được”, hẳn sẽ có một thứ chữ Quốc ngữ “hiện đại” khác xa thứ chữ hiện hành. Hậu quả là khoảng vài chục năm sau nữa, con cháu sẽ không đọc nổi chữ Quốc ngữ kể từ thời chúng ta trở về trước! Nhưng điều quan trọng hơn, nếu triệt để vận dụng nguyên tắc ngữ âm học như trên, tuy được một vài cái tiệnnhất định thì lại mất rất nhiều cái lợi khác.

Thứ nhất, nó mất đi sự trong sáng. Ví dụ, nếu đồng nhất viết gia đìnhcũng như da thịt sự cũng như  nhí sẽ mất sự phân biệt nghĩa và mất cả sự đánh dấu về từ nguyên. 

Thứ hai, nó mất đi sự phong phú. Chẳng hạn trong tên riêng, người ta có quyền lựa chọn để biểu đạt một ý nghĩa nào đó. Giữa tên là  với nghĩa là “bé” khác với  với nghĩa là “năm Tý, năm Chuột”. Hầu hết tên riêng người ta chọn y dài (gốc Hán) để thể hiện sắc thái trang trọng: chọn Hy (hy vọng), không chọn Hi (cười hi hi), chọn Kỳ (kỳ vọng), không chọn  (kì kèo), v.v..

Ngoài ra, trong một số trường hợp, nó mất đi vẻ đẹp văn hóa. Ví dụ giữa “công ti” và “công ty”, người ta thấy viết “công ty” hay hơn. Vì sao vậy? Vì chữ “ti” được viết trong “ti trôn”, rồi “ti” còn có nghĩa là “vú” (sờ ti). Viết “công ty” sẽ trang trọng hơn “công ti” là vì thế.

Đấy là điều giải thích vì sao cả nửa thế kỷ qua, với rất nhiều lời kêu gọi của nhiều nhà ngôn ngữ học, với hàng loạt giáo trình, sách giáo khoa chỉ ra sự “bất hợp lý” mà sự “bất hợp lý” vẫn tồn tại! Cuộc sống bao giờ cũng có sự lựa chọn khôn ngoan, chống lại những giáo điều, duy ý chí. 

Sự duy ý chí ấy bắt nguồn từ đâu? Theo tôi, đó là việc việc vận dụng máy móc lý thuyết về chữ ghi âm, coi chữ chỉ là ký hiệu của âm: “Chữ ghi âm không quan tâm đến nội dung, ý nghĩa của từ mà chỉ ghi lại chuỗi âm thanh của từ đó. Chữ viết ghi âm là đại diện của ngữ âm chứ không phải ý nghĩa. Quan hệ giữa chữ  ý ở đây là một quan hệ gián tiếp mà âm là trung gian: chữ - âm - ý” (4) (Người trích nhấn mạnh).

Nhận định trên thực ra chỉ đúng trên nguyên tắc chung của loại hình chữ ghi âm, trong tương quan với phạm trù đối lập là chữ ghi ý. Nguyên tắc có giá trị lý thuyết, giúp cho nhận thức khái quát, đi vào những sự vật hiện tượng cụ thể lại phải xem xét một cách cụ thể.

Thực tế bao giờ cũng phong phú hơn lý thuyết. Thực tế trên thế giới, theo nhiều nhà ngôn ngữ học, không có một thứ chữ nào thuần túy ghi âm, cũng như không có một thứ chữ nào thuần túy ghi ý. Theo chúng tôi, đành rằng chữ Quốc ngữ là chữ ghi âm, nhưng đấy là trên nguyên tắc chung, phần còn lại, tính chất ghi ý của nó cũng chẳng phải là nhỏ.

Ngoài những ký hiệu và chữ viết tắt như m, m2, m3, kg, kw, kb, D, ^, %, <, >, &, @, v.v, XHCN, UBNN,... hiển nhiên đấy là chữ ghi ý thì hình thức chính tả “siêu phương ngữ” hiện hành là biểu hiện sinh động của tính chất ghi ý. Hình thức chính tả hiện nay được gọi là “siêu phương ngữ” vì nó không “trung thành” hẳn với phát âm của một vùng phương ngữ nào. Miền Bắc không phân biệt các âm đầu /ch - tr/, /x – s/, /d/gi – r/ khi nói nhưng khi viết vẫn phân biệt, cho nên hình thức (quả) chanh – (đấu) tranhxinh (đẹp) – sinh (sống),… là những hình thức ghi ý; miền Nam không phân biệt các âm cuối /n – ng/, t – c/, các thanh hỏi – ngã, âm đầu /v – d/,… cho nên (ánh) trăng – (con) trănbắt (tay) – bắc (cầu), rủ (bóng) –  (xuống),… là những hình thức ghi ý.

Vậy nên dù có sáp nhập các hình thức i ngắn/ y dài, d/ gi thì cũng chẳng thêm được bao nhiêu, thì cũng không sao đưa chữ Quốc ngữ thành chữ ghi âm hoàn toàn được. Nếu bây giờ trung thành với nguyên tắc “ngữ âm học” (nói sao viết vậy) thì tiếng Việt sẽ vỡ ra ít nhất thành hai mảng: tiếng miền Nam và tiếng miền Bắc. Nhưng người Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên chẳng mấy khó khăn khi viết chính tả, dù rằng rất nhiều chữ nói một đằng viết một nẻo, nói giống nhau mà viết khác nhau. Vì sao vậy?

Thứ nhất vì chữ viết là một hệ thống, độc lập tương đối với hệ thống ngữ âm. Trong buổi đầu hình thành chữ Quốc ngữ, có thể đó là một hệ thống ký tự 1 đối 1 đối với hệ thống ngữ âm, nghĩa là khá “hợp lý”. Nhưng trong quá trình phát triển, ngữ âm và chữ viết đã biến đổi theo những con đường riêng, không hoàn toàn phụ thuộc vào nhau, cuối cùng tiến tới một hình thức như ngày nay.

Thứ hai, do tính độc lập tương đối đó, chữ viết trở thành một kênh giao tiếp khác. Ngôn ngữ nói được tiếp nhận bằng thính giác, còn ngôn ngữ viết được tiếp nhận bằng thị giác. Theo Cao Xuân Hạo: "Khi một hệ chữ viết đã được dùng trong vài ba thế kỷ, nó trở thành một truyền thống văn hoá. Mỗi từ ngữ dần dần có một diện mạo riêng. Một gestalt mà người ta đã quen thuộc đến mức không thể thay đổi được nữa. Và cái gestalt thị giác do cách viết tạo nên được liên hội với cái nghĩa của từ ngữ bất chấp cách phát âm ra sao, và nhờ đó người đọc phân biệt các từ đồng âm mặc dù không có sự giúp đỡ của các tình huống đối thoại hay của sự hiện diện của người đối thoại…" (5) Gestalt là một thuyết tâm lý học.

Nghĩa của từ này trong tiếng Việt tuơng đương các từ "hình thể", "hình dạng", "phom”, “diện mạo tổng quát”. Thuyết gestalt được áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Riêng về nhận thức, nó cho rằng sự tri giác của con người không phải là sự đơn lẻ, lần lượt mà có tính tổng hợp, toàn bộ, tức thời (cho nên có người dịch là thuyết “hoàn hình”). Ví như ta nhận ra một người quen không phải lần lượt bằng từng nét riêng rẽ (mắt, mũi, dáng điệu,… ) rồi cộng lại, mà nhận ra toàn bộ diện mạo một cách đồng thời.

Trong việc đọc cũng vậy, không phải bằng “đánh vần” từng âm, ghép các âm lại rồi mới luận ra nghĩa, mà cái nghĩa đến ngay khi tri giác toàn bộ “mặt chữ”, cũng không cần “vang lên” bất kỳ một âm thanh nào. Nói cách khác, từ chữ, cái ý (nghĩa) đến thẳng, không cần qua “cầu” trung gian là âm. Tóm lại việc duy trì hai hình thức i ngắn/ y dài có lý do sâu xa trên nhiều phương diện. Còn về việc khó khăn khi viết thì hoàn toàn có thể khắc phục được.

Thực ra thì hầu hết đã có quy tắc (6), chỉ còn lại trường hợp khi chúng làm âm tiết mở sau các phụ âm /h, k, l, m, s, t/ sẽ nói dưới đây.

Trường hợp đứng sau 6 phụ âm /h, k, l, m, s, t/, về cơ bản, cũng đã hình thành một thói quen: viết i ngắn khi là từ thuần Việt; viết y dài khi là từ Hán Việt.

Bây giờ chỉ cần chuẩn hóa thói quen đó. Bảng dưới đây liệt kê một số trường hợp trong đối sánh các từ đồng âm (trường hợp không có từ đồng âm, dùng ký hiệu X; các yếu tố Hán Việt đồng nghĩa chỉ nêu 1, 2 trường hợp, ví dụ: ly – “lìa ra”: ly hôn).
Phụ âm Từ thuần Việt Từ Hán Việt
h (cười) hi hi (mắt) ti hí, hí hoáy hỉ mũi, hủ hỉ, hỉ hả hy vọng du hý, hý trường, hý viện hiếu hỷ, hỷ xả, song hỷ
k kì cọ, kì kèo kí cóp, kí (kilôgam) X X kĩ tính, kĩ càng kỳ vọng, kỳ thi, ly kỳ, quốc kỳ du ký, chữ ký, ký âm, ký giả; ký sinh đố kỵ, kỵ binh, ngày kỵ (giỗ) kỷ luật, kỷ yếu, kỷ niệm, thế kỷ kỹ nữ, kỹ thuật, tạp kỹ
l li (milimét), li (cốc), (giấy) ô li, li (quần), li bì, li ti lì lợm, nhẵn lì, lì xì (điệu) lí, (nói) lí nhí (đã bảo mà) lị (quẻ) ly, ly hôn X lý thuyết, hương lý, hải lý tỉnh lỵ, kiết lỵ
m (bọn) mi, mi ca, nốt mi mì (sắn), bột mì, mì chính mụ mị X tu my nhu mỳ mỵ dân mỹ thuật, mỹ tửu, mỹ mãn
s cây si, nốt si đen sì, sì sụp mua sỉ X ngu sy, sy tình X sỷ nhục sỹ tử, sỹ phu, sỹ diện
t đinh ti, ti trôn, (bé) ti ti, ti toe tì (tay), tì vết, (uống) tì tì tí hon, tí tách, tí toáy tỉ tê, tỉ mỉ, (khóc) tỉ ti tị nạnh ty (sở), tự ty, công ty tỳ (lá lách), tỳ bà, tỳ thiếp, tỳ tướng (năm) tý tỷ lệ, tỷ dụ, tỷ thí tỵ nạn, (năm) tỵ

Sẽ có người băn khoăn: làm thế nào để nhận biết từ Hán Việt, từ thuần Việt?

Thực ra bằng ngữ cảm bản ngữ, nói chung mỗi người đều có thể nhận ra, cũng giống như biết rằng khi nào dùng từ phu nhân, khi nào dùng từ vợ, khi nào dùng phụ nữ, khi nào dùng đàn bà.

Về cách phân biệt Hán Việt/thuần Việt, chúng tôi sẽ đề cập vào một dịp khác, ở đây chỉ nêu một quy tắc thông dụng nhất: Yếu tố thuần Việt có thể dùng độc lập, còn đa số yếu tố Hán Việt thì không. Ví dụ nói hai nước chứ không nói hai quốc.

Nhưng vấn đề nhận biết Hán Việt/ thuần Việt cũng không quan trọng lắm. Nếu đã chuẩn hóa và các sách báo làm gương thực hiện thì cách viết i hay dần dần sẽ trở thành những gestalt trong đầu óc mỗi người, và việc viết đúng đã được tự động hoá, cũng giống như xưa nay mọi người vẫn viết đúng y tế/ (lớp) i tờ, ỷ thế/ ỉ eo, ý nghĩa/ í ới mà không cần phải suy nghĩ gì. 

Đối với các thuật ngữ gốc nước ngoài và tên riêng nước ngoài thì nên để chữ này như trong nguyên ngữ. Ví dụ: hydrogenium -> hy-đrô; histamine -> hi-xta-min; Myamar -> My-an-ma; Midway -> Mít-guây.

Đối với một dân tộc, trong vài ba thế kỷ, mỗi từ ngữ sẽ dần dần có một diện mạo riêng, một gestalt, thì với một con người, nhiều nhất cũng chỉ dăm bảy năm (cứ cho là học hết lớp 9), cũng đủ hình thành cái gestalt thị giác cho mỗi chữ – nghĩa, và việc viết đúng chính tả i/y là không mấy khó khăn. Cần sớm chuẩn hóa vấn đề này.

Vì nếu i ngắn được “nhất loạt hóa” như một số cơ quan báo chí, xuất bản hiện nay sẽ tạo điều kiện lối viết tùy tiện, bất chấp nghĩa. Lâu ngày cái gestalt ấy được định hình, muốn quay trở lại để phân biệt (nghĩa) cũng không được nữa.
 Bài viết thuộc chuyên mục: Kiến thức

+ Thủ thuật soạn bài giảng E-learning: https://igiaoduc.blogspot.com
+ Diễn đàn hỗ trợ soạn bài giảng E-Learning: https://www.facebook.com/groups/baigiangelearning

 

Tip:Bài viết, video, hình ảnh, vui lòng gửi về địa chỉ email: Phavaphugmail.com


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Nếu tự tin ở bản thân, bạn sẽ truyền niềm tin đến người khác. Ngạn ngữ Đức
BÌNH LUẬN MỚI NHẤT - TIN TỨC
BÌNH LUẬN MỚI NHẤT - WINDOWS
MỖI LÚC MỘT NỤ CƯỜI
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay7,672
  • Tháng hiện tại387,893
  • Tổng lượt truy cập48,823,460
Thống kê truy cập
Flag Counter
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây