Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành giáo dục trong năm học mới là nâng cao chất lượng nhà giáo và quản lý giáo dục.
Bộ trưởng Nhạ khẳng định ông rất vui mừng vì các đại biểu tham dự hội nghị đều thống nhất với báo cáo của Bộ GD-ĐT trong đó thống nhất 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản cho ngành giáo dục.
Trong 9 nhiệm vụ cơ bản của ngành giáo dục trong năm học tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, nhiệm vụ quan trọng nhất chính là nâng cao chất lượng của nhà giáo và quản lý giáo dục. "Đây là nhiệm vụ trọng tâm nhất trong các nhiệm vụ trọng tâm" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Ông Nhạ cho biết, làm tốt nhiệm vụ phát triển đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục là công việc khó khăn song không thể không làm. "Hôm nay không làm thì sẽ không bao giờ làm được" - ông Nhạ nói.
Trong số 5 giải pháp cơ bản mà Bộ GD-ĐT đưa ra, ông Nhạ cho rằng, giải pháp có tính đột phá chính là cải cách thể chế. "Việc làm tốt công tác rà soát văn bản và đổi mới cơ chế từ mầm non tới đại học một cách căn cơ và theo cách tiếp cận đổi mới và nâng cao chất lượng sẽ giải phóng rất nhiều nguồn lực cũng như nhiều nút thắt của giáo dục"- ông Nhạ nói thêm.
"Các giải pháp khác cũng quan trọng song giải pháp thể chế cần được ưu tiên" - ông Nhạ khẳng định.
Ông Nhạ cũng cho biết, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ cụ thể hóa những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành những đề án, dự án cụ thể và phối hợp với các bộ, ngành đặc biệt là các địa phương thực hiện.
"Chúng ta sẽ chuyển dần từ đánh giá định tính sang định lượng. Chúng ta làm tốt từng việc nhỏ thì sẽ tạo ra được việc lớn" - ông Nhạ phát biểu. "Bằng thời gian, chúng tôi tin rằng sẽ tạo ra sự thay đổi có tính bền vững chứ không phải gây sốc".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ cùng các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng làm sao năm học tới bức xúc của xã hội lâu nay được khắc phục rõ nét. Đồng thời tạo ra nhiều điểm sáng qua đó làm mờ đi các điểm yếu của ngành GD.
Trước sự hiện diện của lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành ở các đầu cầu tham gia họp trực tuyến sáng nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tới ngành GD đồng thời khẳng định, chưa bao giờ ngành giáo dục lại nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo địa phương như hiện nay.
"Đây là tín hiệu quan trọng tạo sự hứng khởi cho ngành GD để quyết tâm đổi mới và có những kết quả thiết thực" - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Đổi mới khó có thể toàn vẹn ngay được
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nền giáo dục nước nhà đang trong quá trình đổi mới, thay đổi căn bản và toàn diện. Tuy nhiên, khi chuyển đổi không thể ngay một lúc làm được mà phải có những bước trung gian.
“Qua các bước trung gian thì không thể toàn vẹn ngay, không có bất cập và chỉ có tốt ngay được. Như thi cử, 2 năm vừa qua đã có những đổi mới, năm 2016 chúng ta tổ chức thi ở tất cả các tỉnh. Song như vậy vẫn chưa thuyết phục bởi trong tương lai, chúng ta phải hướng đến việc phổ thông là phổ thông, đại học là các trường tự chủ tuyển sinh, chứ không thi chung nữa. Tuy nhiên không thể một lúc mà đổi mới toàn diện hết được”, ông Đam nói.
Ông Đam cho rằng từng bước đi phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ví dụ, vấn đề học thêm dạy thêm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố kể cả tính gương mẫu của các giáo viên nhưng cũng phải nhìn vào thực tế là hiện không đủ trường lớp để các cháu học 2 buổi/ngày. Theo ông Đam, nếu đủ thì áp lực học thêm, dạy thêm toàn xã hội cũng sẽ giảm bớt. “Ở các nước tiên tiến, học sinh có điều kiện học 2 buổi/ngày, chúng ta 1 buổi/ngày. Vậy dù chúng ta có thông minh mấy cũng làm sao mà đuổi theo họ được. Để có trường, lớp đủ yêu cầu, xã hội hóa là một phần nhưng sự đầu tư cũng là hết sức quan trọng”, ông Đam nói.
Ông Đam cho biết, sắp tới không đợi các trường đại học xin tự chủ mà yêu cầu các trường tự chủ. Nhưng muốn tự chủ được, trước đây các trường xập xệ thì giờ phải đảm bảo được những điều kiện cơ bản nhất.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, cần coi học sinh là trung tâm trong mọi việc của ngành giáo dục. Như việc năm vừa qua cả nước làm được việc thực hiện khai giảng coi các cháu là nhân vật chính.
Thủ tướng: "Việt Nam có nhiều tiến sĩ nhưng ít công trình ứng dụng trong xã hội"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016. |
Mở đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những thành tưu của ngành giáo dục trong quá trình Đổi mới 30 năm.
Ông Phúc cũng đánh giá cao thành công của đổi mới khi Kỳ thi THPT quốc gia 2016 khắc phục những bất cập của những năm trước và giảm áp lực đối với người học, người dân và toàn xã hội.Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cần chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang hình thành nhân cách và phát triển năng lực con người. Trong đổi mới giáo dục còn có thêm một yêu cầu nữa là xây dựng nền giáo dục mở, thực học và liên thông.
Đề xuất kéo dài đề án tự chủ của các trường ĐH
GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đề nghị Chính phủ kéo dài đề án đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học sẽ kết thúc vào năm 2017 tới đây.
"Nhờ cơ chế tự chủ, nhà trường đã chủ động hơn trong việc mở các ngành, chuyên ngành mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Nhà trường cũng chủ động hơn trong việc xây dựng giáo trình hội nhập quốc tế, ứng dụng CNTT vào công tác đào tạo" - GS Đạt khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, Lạng Sơn, Cần Thơ, Nghệ An, Đắk Nông đều nhìn nhận kết quả bước đầu của kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã thể hiện được những nét tích cực của đổi mới thi cử.
Sau khi nêu "9 việc cần làm của giáo dục Thủ đô", ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND cho biết thành phố Hà Nội sắp tới sẽ trồng thêm nhiều cây xanh ở sân trường và đang có kế hoạch nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh trường học để đảm bảo môi trường học tập lành mạnh cho học sinh. Ông Chung cũng nhấn mạnh tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các ngành kinh tế mũi nhọn. Hà Nội xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng chất lượng đào tạo nhân lực cao cho lĩnh vực này chưa phát triển tương xứng.
Đầu cầu thành phố Cần Thơ phát biểu. |
Ông Phạm Ngọc Thường, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, tỷ lệ thí sinh chỉ có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp tăng hơn, chứng tỏ công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh bước đầu đã thấy kết quả. Ông Thường cũng đề xuất Bộ có quy định linh hoạt tạo không gia sáng tạo cho giáo viên để không bị trói buộc vào sổ sách giáo án mang tính hình thức.
Nhìn nhận về các nhóm giải pháp mà Bộ GD-ĐT nêu ra, lãnh đạo các địa phương cũng cho rằng nên xác định giải pháp đột phá, từ đó tập trung làm cho hiệu quả.
Thay đổi cách trả lương để hút người tài làm quản lý giáo dục
Xây dựng cơ chế chính sách gắn chi trả lương với kết quả và chất lượng công việc nhằm thu hút người tài, người có năng lực vào làm việc trong cac cơ quan quản lý giáo dục, đồng thời có chính sách cụ thể để loại bỏ những công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ.
Đây là một trong những biện pháp thuộc nhóm giải pháp “nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp” được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng nêu ra tại trong báo cáo tóm tắt tại hội nghị.
Trong nhóm giải pháp này, Bộ GD-ĐT xác định 4 biện pháp cơ bản. Đầu tiên là điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thực thi từ ngay chính cơ quan đầu não là Bộ GD-ĐT. Các biện pháp còn lại gồm: Bổ sung, hoàn thiện chuẩn chức danh nghề nghiệp cán bộ, quản lý giáo dục; xây dựng, hoàn thiện quy trình đánh giá, xếp loại, luân chuyển và bổ nhiêm theo hướng thực chất, quan tâm thoả đáng đến phát triển cán bộ trẻ, cán bộ có tài năng.
Báo cáo của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đã nêu 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp cơ bản trong năm học 2016 – 2017. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).
Để thực hiện các giải pháp này, Bộ GD-ĐT kiến nghị Quốc hội xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục sửa đổi; kiến nghị Chính phủ cơ chế thí điểm thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục.
Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Bộ Nội vụ trình Thủ tướng ban hành Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, đào tạo và dạy nghề; Đề án đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức dựa trên đánh giá thưc chất năng lực của người dự tuyển.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Tip:Bài viết, video, hình ảnh, vui lòng gửi về địa chỉ email: Phavaphugmail.com
Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo và ra mắt các câu lạc bộ năm 2019
Chi đoàn trường THCS Trần Quang Khải phối hợp cùng đoàn xã Hoà Sơn tổ chức lễ...
Chường trình văn nghệ "Xuân Yêu Thương" đêm 16/2/2019
@Thảo Lê mình chuyển qua hết bên này rồi nhé! có gì bạn xem...
cho e hỏi tên các cuốn sách mà cô lien đã chia sẻ ạ
Thầy Thành thiết kế cái ảnh đẹp quá. :) (y)