Scroll To Top

Chuyện về hiệu trưởng

Đăng lúc: Thứ năm - 29/09/2016 12:04 |  Tin giáo dục | : Nguyễn Tiến Thành | Đã xem: 1679 |   0

Hiệu trưởng

Hiệu trưởng
Không ít hiệu trưởng trở thành sự ám ảnh đối với giáo viên, đặc biệt là các trường mầm non và cấp I, hiệu trưởng giống như vua một cõi muốn làm gì thì làm.

"Cái để đánh giá một giáo viên là ở trình độ chuyên môn và nhân cách đạo đức chứ không phải ở vị trí chức vụ.

Bởi vậy hiệu trưởng không nên xếp mình vào một đẳng cấp khác, còn xem giáo viên như người để sai vặt, bắt làm những việc không đúng với nhiệm vụ như chạy mua đồ ăn sáng, đi chợ, đi lấy giấy tờ, pha nước..."
Hiệu trưởng

Vị trí của hiệu trưởng đối với một ngôi trường rất quan trọng. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học, mà còn ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của hàng chục, thậm chí hàng trăm giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường.

Sinh khí của một ngôi trường do người hiệu trưởng quyết định tới 50%. Bởi vậy có được hiệu trưởng tốt là hồng phúc lớn cho một ngôi trường. Thay đổi cách điều hành quản lý của hiệu trưởng là một trong những khâu then chốt để đổi mới giáo dục.

Thực tế đang tồn tại

Không ít hiệu trưởng trở thành sự ám ảnh đối với giáo viên, đặc biệt là các trường mầm non và cấp I, hiệu trưởng giống như vua một cõi muốn làm gì thì làm.

Có những hiệu trưởng dữ dằn đến mức được gọi là “bà La Sát”, “mụ phù thủy”, “nhà tài phiệt”... Hội họp là tất cả mọi người phải răm rắp lấy sổ sách ra chép từng chữ một.

Bởi mỗi lời nói của hiệu trưởng giống như “lời vàng thước ngọc”, phải chấp hành tuyệt đối, không ai được làm trái bất cứ điều gì. Mỗi khi hiệu trưởng đã quyết việc gì thì cứ im lặng mà làm, cấm tất cả ý kiến tranh cãi hoặc phản biện.

Ai đó lỡ dại sẽ bị định kiến suốt đời. Mà khi đã bị hiệu trưởng định kiến, có nghĩa người giáo viên đó một là phải ngậm đắng nuốt cay bị: hạ thi đua, cắt chủ nhiệm, hoặc đang từ giáo viên chuyển sang làm giám thị, thư viện...

Nếu họ có muốn đấu tranh cũng chỉ đơn thương độc mã, thậm chí còn bị hiệu trưởng tổ chức “đánh hội đồng”. Nếu có muốn phản ảnh, kêu cứu lên cấp trên cũng không dễ, thậm chí còn bị trù dập nặng hơn.

Trường học là tài sản của Nhà nước nhưng một số hiệu trưởng hành xử theo kiểu xem trường học như nhà riêng của mình, muốn làm gì thì làm, bỏ ngoài tai những ý kiến đóng góp. Hiệu trường nên là người quyết định cuối cùng sau khi đã lắng nghe các ý kiến đề xuất.

Đi đến bất cứ trường nào chúng ta cũng dễ gặp thực trạng bàn ghế học sinh mỗi đời hiệu trưởng một loại khác nhau.

Trường nào rộng sẽ có vườn hoa cây cảnh, nhưng vườn hoa của trường cứ mỗi đời hiệu trưởng lại một lần thay đổi. Không phải để cho đẹp hơn mà là để phù hợp với phong thủy của hiệu trưởng mới. Thay đổi như thế tiêu tốn không ít tiền công quỹ.

Trong ban giám hiệu mỗi người được phân công phụ trách một mảng khác nhau. Hiệu trưởng là người quyết định cao nhất - cơ chế tập trung quyền lực.

Chính vì vậy mà có những hiệu trưởng đã trở thành độc quyền biến hai người còn lại thành bù nhìn: “trong trường này bất cứ điều gì cũng phải thông qua tôi, hiệu phó chỉ là giúp việc, không có quyền gì đâu”. Tất nhiên với những hiệu trưởng như thế, ý kiến của giáo viên với họ lại càng không có giá trị.

Hiệu trưởng kém năng lực kéo theo một số người xu nịnh bu theo bợ đỡ thì thật là đại họa. Tất cả mọi người sẽ sống trong sự nơm nớp. Tay chân của hiệu trưởng có mặt khắp nơi.

Lỡ miệng nói điều gì coi như chết chắc. Tin bay tới tai hiệu trưởng còn nhanh hơn cả gió “có ít xít ra nhiều” và họ sẽ bị hiệu trưởng gọi vào “cạo đầu” không thương tiếc.

Chuẩn nào cho hiệu trưởng

Hiệu trưởng là mắt xích then chốt trong việc chấn hưng giáo dục. Chủ trương chính sách của bộ, của sở thực hiện tốt hay không đều do hiệu trưởng quyết định.

Bởi vậy rất cần ở hiệu trưởng: tâm, tầm, tài để biến tất cả những ý tưởng đổi mới thành hiện thực. Về lâu dài nếu chúng ta có cơ chế tuyển chọn hiệu trưởng hợp lý, hi vọng sẽ có nhiều hiệu trưởng giỏi.

1. Một hiệu trưởng chỉ nên làm ở một trường tối đa hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ bốn năm. Nên thực hiện việc luân chuyển hiệu trưởng theo định kỳ ở tất cả các cấp I, II, III, kể cả mầm non. Coi đây là điều đương nhiên trong khâu điều hành cán bộ quản lý, điều này cũng nên áp dụng với cả hiệu phó.

Có như vậy mới hạn chế sức ì của thói quen, khơi dậy sự làm mới, sự sáng tạo cho cả giáo viên và ban giám hiệu.

Môi trường mới, hiệu trưởng mới, bắt buộc cả hai đều phải đổi mới. Hãy mở rộng cơ chế bổ nhiệm tuyển chọn đội ngũ quản lý. Để những ai có tâm huyết, năng lực đều có điều kiện ứng cử, bầu cử.

Không nên chỉ theo tiêu chí là phải được quy hoạch từ trước và cũng nên xem việc hết nhiệm kỳ quản lý trở về giảng dạy là chuyện rất bình thường.

2. Rất cần ở hiệu trưởng sự hòa đồng, chân tình, cởi mở và quan tâm tới mọi người để tạo nên hòa khí. Có hòa khí mới tạo ra sinh khí để phát triển thành hào khí đưa nhà trường phát triển. Để khi mỗi giáo viên nghĩ về trường của mình cảm thấy ấm áp được động viên, khích lệ.

Mong hiệu trưởng là người biết lắng nghe sự góp ý của mọi người trước khi đưa ra một quyết định nào đó, vì người quản lý thông minh là biết lắng nghe ý kiến của tập thể, từ đó lựa chọn giải pháp tối ưu.

3. Rất mong ở hiệu trưởng sự hi sinh biết chấp nhận thiệt thòi về mình. Sẽ tốt hơn khi các danh hiệu thi đua: bằng khen thủ tướng, chiến sĩ thi đua, nhà giáo ưu tú nên dành trước cho giáo viên, đừng nên ưu tiên trước cho mình và ban giám hiệu.

Làm quản lý thu phục được nhân tâm để họ đồng lòng đồng sức đóng góp xây dựng nhà trường, đó là sự thành công, là vinh dự và phần thưởng lớn nhất đối với hiệu trưởng.

4. Cần lắm ở hiệu trưởng có tầm trong việc trang bị và xây dựng cơ sở vật chất nhà trường cũng như đào tạo đội ngũ kế cận. Đừng để tình trạng ai làm thời nào biết thời ấy. Có nơi ban giám hiệu đều là những người lớn tuổi và cùng về hưu một lúc gần nhau, thiếu vắng đội ngũ kế cận.

Trong cơ cấu đội ngũ hãy ưu tiên lớp trẻ năng động, sáng tạo để có sức bật. Hãy chọn người có năng lực chứ đừng chọn người dễ vâng lời.

Hi vọng ngày càng nhiều hiệu trưởng như thế!

Có lần đến một trường cấp III khi biết có hiệu trưởng mới về, tôi hỏi nhỏ một thầy giáo “hiệu trưởng mới thế nào?”.

Thầy giáo ấy trả lời: “Hiệu trưởng mới cái gì cũng tuyệt, riêng một điều không được”. Nói đến đây thầy dừng lại làm tôi tò mò hồi hộp: “Đó là chỉ còn ba năm nữa về hưu mất rồi”. Tôi đã lặng người một hồi lâu trước câu trả lời ấy.

Rất may trong thực tế chúng ta đã có được những hiệu trưởng chuẩn mực như vậy và hi vọng những hiệu trưởng như thế ngày một nhiều hơn và trở thành hiển nhiên, tất yếu.

Hoàng Thiên

Nguồn tin: tuoitre.vn

 Bài viết thuộc chuyên mục: Tin giáo dục

+ Thủ thuật soạn bài giảng E-learning: https://igiaoduc.blogspot.com
+ Diễn đàn hỗ trợ soạn bài giảng E-Learning: https://www.facebook.com/groups/baigiangelearning

 

Tip:Bài viết, video, hình ảnh, vui lòng gửi về địa chỉ email: Phavaphugmail.com


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Ta không được chọn nơi mình sinh ra. Nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống. Khuyết danh
BÌNH LUẬN MỚI NHẤT - TIN TỨC
BÌNH LUẬN MỚI NHẤT - WINDOWS
MỖI LÚC MỘT NỤ CƯỜI
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập100
  • Hôm nay10,276
  • Tháng hiện tại1,044,297
  • Tổng lượt truy cập51,675,091
Thống kê truy cập
Flag Counter
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây