Scroll To Top

Dạy lại những bài học ứng xử cho trẻ

Đăng lúc: Thứ bảy - 24/09/2016 21:31 |  Tin giáo dục | : Nguyễn Tiến Thành | Đã xem: 1460 |   0

DSC00238

DSC00238
Đọc bài viết “Cần giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch học đường” của NSƯT Đức Trung, tôi thật sự đồng cảm với nỗi trăn trở trước sự mai một của lễ nghĩa trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Chắc hẳn nỗi lòng ấy không chỉ của riêng anh và tôi mà nó đang day dứt trong lòng nhiều người.

Các bài học lễ nghĩa, cách hành xử văn minh, đạo lí tốt đẹp giữa người và người là một nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục. Ngay từ khi con trẻ bước chân vào trường mầm non, những bài học giản dị mà quý giá đã được vun đắp dần: lễ phép chào người lớn, giữ trật tự chung, bỏ rác đúng nơi quy định, đoàn kết và giúp đỡ bạn bè…

Khi lớn hơn, trẻ học điều hay lẽ phải trong các môn học đạo đức, giáo dục công dân và lồng ghép trong các câu chuyện, các bài văn. Vậy nhưng, học mà chẳng hành thì lý thuyết vẫn mãi là lý thuyết xám xịt. Vậy nên thái độ, hành vi mỗi ngày của trẻ dường như đi ngược lại những gì mà chúng ta mong đợi, thậm chí có lúc khiến ta phải giật mình, thảng thốt.

Những câu chuyện buồn về tình trạng một bộ phận giới trẻ đánh mất mình trong cơn phê ma túy, chạy theo những giá trị ảo tìm kiếm thú vui lệch lạc hay hình ảnh một bạn trẻ cư xử thô lỗ với người già, ra tay đánh bạn tàn nhẫn… không còn là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống ngày nay.

Đi tìm căn nguyên của vấn đề, có lẽ chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận sự lệch pha trong nhận thức và hành động của chính người lớn chúng ta. Dẫu biết “tiên học lễ” là điều then chốt nhưng xã hội này vẫn đang chạy đua trên con đường chinh phục tri thức, thành tích. Để rồi bỏ rơi vai trò quan trọng của giáo dục đạo đức, định hình nhân cách cho thế hệ trẻ.

Tài năng là điều kiện cần cho sự thành công của mỗi người nhưng đâu phải là tất cả. Bác Hồ cũng đã khẳng định: “Có tài mà không có đức cũng là người vô dụng”. Cần một người tài nhưng đừng phủ định vai trò những người hiền lương, đức độ để rồi xem nhẹ việc rèn dũa nếp sống, nếp nghĩ cho con trẻ cũng như “đạp đổ” vị trí của môn học Giáo dục công dân trong nhà trường đến tận cùng như thế.

Học đòi, bắt chước vốn là “bệnh” của giới trẻ. May mắn khi trẻ được soi một “tấm gương” sáng, trong và nên người. Nhưng nguy hiểm lắm khi chẳng may “soi” những “gương” tối, mờ và nhiễm thói hư tật xấu. Người lớn quanh trẻ lắm lúc trưng ra trước mặt con cháu những hành động, lời nói, cách ứng xử cực kỳ khiếm nhã, bảo sao làm gương cho con và dạy con thành người tốt, có ích cho xã hội?!

Đó là còn chưa kể sự bùng nổ thông tin cùng với vai trò kết nối tối đa của mạng xã hội trong thời đại này đang là một “con dao” hai lưỡi đáng sợ. Cạm bẫy, hiểm nguy, sa ngã vẫn đang chực chờ nuốt chửng những đứa trẻ non nớt, thiếu kinh nghiệm sống lại luôn cố thể hiện mình. “Luồng khí độc” trên mạng ảo ít nhiều đã và đang gặm nhấm dần những nét đẹp văn hóa vốn có. Nguy hiểm hơn là, rèn một thói quen tốt rất khó nhưng nhiễm một thói quen xấu lại cực kỳ dễ.

Chính vì vậy, nên chăng cần dạy lại các bài học ứng xử cho trẻ để thổi bùng lên sức sống của nếp sống văn minh thanh lịch làm nên vẻ đẹp con người Việt Nam?

“Lời chào cao hơn mâm cỗ” - triết lí dân gian được gói gọn thật khúc chiết mà hàm ý sâu xa vô cùng. Một lời thưa gửi với người lớn, một tiếng “Dạ”, “Vâng” ngọt lịm, một nụ cười thân thiện trao đi sẽ nhận lại vô vàn tin yêu và quí mến…

“Một sự nhịn chín sự lành” - nhường nhịn nhau một chút trong lời nói, trong hành động sẽ không làm bản thân mình nhỏ bé đi về tầm vóc, vị thế đâu. Ngược lại, nó có thể xua đi cơn nóng giận nhanh chóng, làm dịu đi mối quan hệ căng thẳng và chặt đứt cái “gốc rễ” mục nát của thù hận, đánh đấm…

“Cảm ơn” và “Xin lỗi” là hai bài học từ tấm bé. Nghịch lí là dường như càng trưởng thành hai từ ấy càng ít bật ra ở bờ môi hơn. Không hề nhọc công hay mất mát gì khi ta ghi ơn và nhận lỗi. Hãy dùng nó nhiều hơn với mọi người, nhất là với con trẻ, để nối dài nét đẹp ứng xử đến thế hệ mai sau!

Và còn nhiều lắm những bài học tốt đẹp mà giản đơn cần phải trau dồi cho mình, cho người: thói quen xếp hàng nghiêm túc, bỏ rác đúng nơi qui định, nhường ghế cho người già, giữ trật tự nơi công cộng…

Một xã hội tử tế sẽ bắt đầu từ những hành động nhỏ bé, của mỗi người, từ ngày hôm nay…

Thùy Mai

 

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí

 Bài viết thuộc chuyên mục: Tin giáo dục

+ Thủ thuật soạn bài giảng E-learning: https://igiaoduc.blogspot.com
+ Diễn đàn hỗ trợ soạn bài giảng E-Learning: https://www.facebook.com/groups/baigiangelearning

 

Tip:Bài viết, video, hình ảnh, vui lòng gửi về địa chỉ email: Phavaphugmail.com


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Ðiều sai lầm duy nhất là phủ nhận những gì trái tim mình thật sự cảm nhận. - The only wrong thing would be to deny what your heart truly feels.
BÌNH LUẬN MỚI NHẤT - TIN TỨC
BÌNH LUẬN MỚI NHẤT - WINDOWS
MỖI LÚC MỘT NỤ CƯỜI
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay5,557
  • Tháng hiện tại237,122
  • Tổng lượt truy cập43,610,685
Thống kê truy cập
Flag Counter
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây